Chàng trai Việt giành học bổng toàn phần tiến sĩ hơn 8 tỉ đồng tại Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Lần lượt giành học bổng toàn phần thạc sĩ, tiến sĩ tại Mỹ, chàng trai Đà Nẵng đang phát triển hướng nghiên cứu về vật liệu áp điện tự tiêu ứng dụng trong lĩnh vực y tế. Đặc biệt, anh đã nộp 2 bằng độc quyền sáng chế tại Mỹ về thiết bị tạo sóng siêu âm tự động để đưa thuốc vào não và khẩu trang áp điện tự tiêu hủy. 

Chinh phục học bổng nhờ... "mơ lớn"

Lê Tất Vĩnh Thịnh (SN 1993, quê ở Đà Nẵng) là cựu sinh viên trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. 2 năm cuối đại học, Thịnh nhận học bổng 50% của trường Đại học Công giáo Hoa Kỳ (The Catholic University of America) để hoàn thành chương trình cử nhân ngành kỹ thuật điện.

Vốn đam mê nghiên cứu về công nghệ nano từ sớm, đặc biệt là ứng dụng của công nghệ nano trong y tế. Thịnh tiếp tục tìm học bổng toàn phần thạc sĩ của Đại học Catholic trong một năm rưỡi để bắt đầu phát triển hướng nghiên cứu sâu.

Mục tiêu nghiên cứu của anh là tạo ra những vật liệu thông minh tự tiêu, có khả năng tạo điện tích dưới tác động của các lực cơ học (áp lực, siêu âm). Vật liệu này có thể dùng để cấy (implant) vào cơ thể người cho nhiều mục đích khác nhau như tái tạo cơ sụn, xương, da hoặc đưa thuốc vào não để chữa trị bệnh thoái hóa thần kinh hay ung thư não.

"Đặc biệt, sau một khoảng thời gian, vật liệu đó sẽ tự tiêu hủy một cách an toàn trong cơ thể, vì vậy người bệnh không cần thiết phải trải qua phẫu thuật để lấy nó ra, hạn chế việc nhiễm trùng, viêm từ phẫu thuật. Các loại vật liệu thông minh tự tiêu này sẽ dần thay thế những vật liệu truyền thống trong tương lai, và sẽ tiện lợi hơn cho người bệnh", Thịnh cho biết.

Chàng trai Việt giành học bổng toàn phần tiến sĩ hơn 8 tỉ đồng tại Mỹ ảnh 1

Lê Tất Vĩnh Thịnh (SN 1993, quê ở Đà Nẵng) là cựu sinh viên trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo Thạc sĩ của Đại học Catholic, Thịnh tiếp tục tìm kiếm cơ hội học tiến sĩ từ các phòng nghiên cứu (lab) và những giáo sư đầu ngành.

Anh đã liên lạc qua email, hoặc gặp trực tiếp ở những hội nghị nghiên cứu khoa học (conferences) để tìm hiểu thêm về hướng nghiên cứu của lap và bày tỏ nguyện vọng muốn gia nhập.

Ngoài việc tìm kiếm cơ hội lấy học bổng, Thịnh cũng chuẩn bị bộ hồ sơ "dày dặn" gồm có điểm GPA, GRE, publications (công bố khoa học), giấy giới thiệu, bài luận về mục đích, định hướng nghiên cứu.

Thấy được giấc mơ lớn của chàng trai Đà Nẵng về những nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực y tế, trường Đại học bang Connecticut (University of Connecticut) đã trao cho anh học bổng toàn phần tiến sĩ trị giá $350.000 (hơn 8 tỷ đồng). Đây là cơ hội để Thịnh tiếp tục "nối dài" hành trình nghiên cứu của mình.

Nghiên cứu phục vụ y học

Trong 6 năm làm nghiên cứu sinh, Thịnh tập trung nghiên cứu và phát triển về vật liệu áp điện tự tiêu sử dụng cho các ứng dụng y tế như thiết bị y tế, tái tạo mô, lọc không khí. Mới đây, anh đã nộp 2 bằng sáng chế tại Mỹ và đang trong giai đoạn chờ công nhận.

Sáng chế đầu tiên của Thịnh tập trung nghiên cứu thiết bị tạo sóng siêu âm tự tiêu để đưa thuốc vào não. Thông thường, do đặc điểm sinh học của não, rất khó để thuốc chữa trị có thể tiếp cận được với các mô não. Theo đó, thiết bị này giúp đưa thuốc vào mô não dễ hơn, tăng hiệu quả chữa trị. Sau một thời gian, thiết bị sẽ tự tiêu hủy (tan) trong cơ thể một cách an toàn, vì vậy, bệnh nhân có thể không cần trải qua một lần phẫu thuật khác để lấy thiết bị ra. "Tôi kỳ vọng, thiết bị này sẽ là nền tảng để phát triển những tiếp cận mới trong việc chữa trị các bệnh liên quan đến não", Thịnh nói.

Ngoài ra, nghiên cứu sinh Vĩnh Thịnh còn sáng chế khẩu trang sinh học (khẩu trang áp điện tự tiêu hủy) có thể tái sử dụng nhiều lần và vô hại với môi trường, giảm thiểu rác thải từ nhựa không phân hủy. Điều đặc biệt, khẩu trang áp điện này sau khi được khử trùng và khử khuẩn bằng những phương pháp như dùng áp suất và nhiệt độ cao hay rung siêu âm, vẫn sẽ giữ nguyên được hiệu quả.

Trong quá trình nghiên cứu, Thịnh nhận thấy, khó khăn lớn nhất đến từ khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn. "Mặc dù trên lý thuyết, lý luận rất hợp lý và khả quan, nhưng đến khi tiến hành làm thí nghiệm trên thực tiễn thì kết quả sẽ không đúng như mình mong muốn, thậm chí còn cho ra kết quả ngược lại với kỳ vọng", anh nói.

Những lúc như vậy, nam sinh lại tiếp tục điệp khúc "tìm, đọc, tìm" tài liệu để hiểu thêm những vấn đề tác động đến kết quả thí nghiệm. Nếu nghiêm trọng hơn, Thịnh phải quay lại kiểm tra, xác thực tính khả thi của dự án, xem lại ý tưởng có lỗ hổng nào hay không. Bên cạnh đó, việc liên kết, tìm kiếm thông tin và tiến hành hợp tác với các phòng nghiên cứu khác cũng là một kỹ năng cần thiết bởi trong mảng thực nghiệm, thiết bị và máy móc hiện đại đóng vai trò rất quan trọng.

Đánh giá về những nghiên cứu của Thịnh, PGS. TS Nguyễn Đức Thành (công tác tại Khoa Kỹ thuật Y sinh, Đại học Connecticut, Hoa Kỳ) nhận định: "Thiết bị tạo sóng siêu âm tự động để đưa thuốc vào não và khẩu trang áp điện tự tiêu hủy của Thịnh cùng nhóm nghiên cứu rất an toàn cho cơ thể vì nó là thành phần tự tiêu trong y học phẫu thuật. Vì vậy, tính thực tiễn của những sáng chế này rất cao và hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả tích cực cho lĩnh vực y học trong thời gian tới".

Chàng trai Việt giành học bổng toàn phần tiến sĩ hơn 8 tỉ đồng tại Mỹ ảnh 2

PGS.TS Nguyễn Đức Thành (công tác tại Khoa Kỹ thuật Y sinh, Đại học Connecticut, Hoa Kỳ; bên phải ảnh) là người trực tiếp hướng dẫn nghiên cứu sinh Vĩnh Thịnh.

"Điệp khúc" để nghiên cứu thành công

Theo Vĩnh Thịnh, một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định mức độ thành công trong một nghiên cứu nào đó đều bắt nguồn từ điệp khúc "tìm, đọc, tìm" tài liệu. Vì vậy, khi có cơ hội chia sẻ bí quyết để thành công trong quá trình nghiên cứu khoa học, Thịnh muốn nhấn mạnh đến những lưu ý khi tìm tài liệu tham khảo như sau:

1. Các tài liệu tham khảo có hai loại, một loại là “review paper” thường dùng cập nhật thông tin chung chung (general information), kỹ thuật, ứng dụng trong một mảng/ngành nghiên cứu nào đó. Loại thứ hai là “research article”, những bài báo này đi sâu vào một công trình nghiên cứu, và cung cấp những thông tin cụ thể về kỹ thuật sử dụng, kết quả đạt được trong công trình đó;

2. Khi bắt đầu nghiên cứu, cần xem những "review paper" để nắm bắt được kiến thức cơ bản, những thành tựu đã làm được, những xu hướng mới trong ngành và những hạn chế còn tồn tại. Sau đó, phân tích, chắt lọc những thông tin cần thiết cho nghiên cứu của mình;

3. Khi nắm bắt được những thông tin cần thiết mới bắt đầu đào sâu vào những "research papers", tìm hiểu kỹ thuật, và tìm kiếm những thông tin mình cần;

4. Sau khi đã có được những kiến thức nền tảng, thời gian đọc sẽ ít lại để có nhiều thời gian hơn cho làm thí nghiệm. Ở thời điểm này, cần tập trung chủ yếu đọc về phần kỹ thuật, xem thử những nhóm khác đã làm như thế nào, dùng kỹ thuật gì để đo/ ước lượng được các loại tính chất.

Chàng trai Việt giành học bổng toàn phần tiến sĩ hơn 8 tỉ đồng tại Mỹ ảnh 3

Thịnh (thứ 2 từ phải sang) cùng thầy hướng dẫn và nhóm nghiên cứu.

Trong thời gian tới, nam sinh cũng mong muốn có cơ hội tham gia nhiều hội thảo khoa học về y sinh ở Việt Nam để giới thiệu những dự án nghiên cứu, kỹ thuật của mình. "Qua đó, tôi hy vọng, những nghiên cứu của mình có thể áp dụng vào được thực tiễn ở Việt Nam trong tương lai không xa", Thịnh nói.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.