Kỵ là con trai thứ ba trong tám người con của ông Vừ Pà Cơ. Hai chị gái sinh trước em đã sớm lấy chồng, ba em gái sinh sau cũng không được đi học mà sớm theo cha mẹ lên nương ngô. Chỉ có Kỵ và hai em út được đến trường. Cha mẹ em đều không biết chữ, ông nội trước là cán bộ xã nên kiên quyết phải cho cháu đi học.
Kỵ nói rằng, ai cũng bảo cao nguyên đá Đồng Văn rất đẹp, Sủng Là quê em cũng nên thơ nhưng cuộc sống còn nhiều khốn khó. Đường đến trường của những đứa trẻ khát khao học tập như Kỵ vì thế càng gian nan, có lúc chênh vênh khi bước chân trên những chỏm đá tai mèo.
Sáng sớm, những đứa trẻ ở trong thôn Mo Pải Phìn của Kỵ thường đi bộ hơn 5 km mới đến được trường ở trung tâm xã. Em nào học khá thì lên cấp 2 được chuyển xuống trường nội trú ở thị trấn Phó Bảng. Lên lớp trên, bạn học của Kỵ càng ít dần. Cho đến lúc Kỵ học lớp 9, cả thôn chỉ còn mình em trụ lại.
Những chàng trai mới 15-16 tuổi, bạn học của Kỵ đi học biết con chữ rồi sớm nghỉ ở nhà, sáng lên nương ngô, chăn dê, đi kiếm củi, tối về quây quần bên bát rượu ngô, rồi lấy vợ, sinh con, gắn cuộc đời mình với cao nguyên đá. Các bạn nghỉ học hết, Kỵ cũng hoang mang.
"Có lúc em nghĩ mình cứ theo đuổi việc học hành liệu có kết quả không, sau này mình không thành đạt rồi sẽ đi đâu về đâu? Hay là nghỉ học, sớm lấy vợ sinh con?", chàng trai 18 tuổi tâm sự.
Cuối năm lớp 9, Kỵ đạt giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và được tuyển thẳng vào trường Phổ thông dân tộc vùng cao Việt Bắc. Cậu đem theo vài bộ quần áo, đi bộ xuống thị trấn, bắt xe hơn 350 km từ thị trấn Đồng Văn xuống thành phố Thái Nguyên nhập học. Bố mẹ không biết chữ, không nói được tiếng Kinh nên Kỵ đi một mình.
Lần đầu tiên đi xa khỏi cao nguyên đá, Kỵ rất lo lắng vì nghe nói ở thành phố phức tạp. Cậu sợ bị lạc đường, sợ gặp phải người không tốt. Cũng may là em rất nhanh chóng làm quen. Cuộc sống nội trú từ năm lớp 3 khiến em sớm có bản tính tự lập.
Vào lớp 10, cậu nói tiếng phổ thông còn chưa sõi nên phải luyện nói nhiều, rồi nhờ các bạn chỉnh cho. Kỵ cũng chăm chỉ viết bài để chữ đẹp hơn, văn phong lưu loát hơn. Một năm, Kỵ được về nhà hai lần vào dịp hè và Tết. Mỗi lần về, em không dám mang sách vở để ôn bài vì còn tranh thủ giúp cha mẹ lên nương, chăn dê.
Trong 3 năm học phổ thông, cậu học trò người Mông luôn ở trong đội tuyển đi thi học sinh giỏi môn Lịch sử của trường. Em giành được 2 giải nhì tại cuộc thi học sinh giỏi khu vực duyên hải - đồng bằng Bắc Bộ và trại hè Hùng Vương. Năm lớp 12, Kỵ trở thành học sinh người Mông đầu tiên giành được giải nhì môn Lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
Kỵ nhận quà tặng của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong lễ tuyên dương học sinh giỏi dân tộc thiểu số năm nay. Ảnh: NVCC.
Kỵ thích học Lịch sử và nghĩ mình sẽ thi vào ĐH Sư phạm Hà Nội với mong muốn trở thành thầy giáo. Biết ý định của con trai, ông Vừ Pà Cơ chỉ nói: "Nếu con học sư phạm, chúng ta không biết lấy tiền đâu để cho con tiếp tục đến trường".
Kỵ nghĩ, những năm học trước, được hưởng chế độ ưu đãi của nhà nước, bố mẹ không phải lo lắng nhiều nên em mới có thể học xong lớp 12. Nay nếu học trường ngoài thì đúng là bố mẹ không thể nuôi nổi vì cả nhà đông con, chỉ trông cậy vào nương ngô.
Cuối cùng, cậu làm hồ sơ thi vào Học viện An ninh nhân dân với suy nghĩ giản đơn "đậu thì sẽ được đi học tiếp, trở thành công an, nếu không đậu thì ở nhà, lấy vợ, sinh con".
Một mình Kỵ cầm theo 5 triệu đồng bố mẹ vay làm chi phí, bắt xe xuống Hà Nội thi đại học. Kỳ thi đại học đợt 2 bắt đầu từ 8/7, nhưng em xuống từ ngày 4/7 vì sợ không tìm được địa điểm thi và để tìm phòng trọ.
Ngày nhận được giấy báo nhập học, cậu được 23,5 điểm (Văn 7,5; Sử 8,5; Địa 7,5), cộng thêm 5,5 điểm ưu tiên (3,5 điểm cho học sinh vùng cao và 2 điểm học sinh giỏi quốc gia), Kỵ được tổng cộng 29 điểm, đỗ vào ngành Điều tra trinh sát của trường (lấy điểm chuẩn 21 điểm cho nam khối C).
Lần này, Kỵ vẫn một mình đi nhập học, tự chuẩn bị mọi thứ cho mấy năm học viên sau này. Cậu cũng vui vì những ngày đầu làm quen với môi trường mới, vẫn có được những người bạn học phổ thông nhập học cùng. Cả trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc năm nay có 5 người thi đỗ vào Học viện An ninh.
Hay tin Vừ Mí Kỵ đậu đại học, nhiều người mừng cho cậu học trò biết phấn đấu. Ông Là Mí Kha, Chủ tịch Hội khuyến học xã Sủng Là nhận xét: "Kỵ là người đầu tiên của xã thi đậu đại học và vào trường lớn như Học viện an ninh. Hiện nay, xã có khoảng 10 em đi học ở các trường đại học, cao đẳng nhưng chủ yếu là hệ cử tuyển. Nhiều em do điều kiện khó khăn mà đi cho biết chữ rồi nghỉ học giữa chừng".
Theo Hoàng Phương