Từ người chơi bò sát thành “fan cứng” ENV
Gặp Đặng Thái Tuấn lần đầu, ít ai nghĩ cậu thanh niên cao ráo, hiền lành này từng có sở thích chơi bò sát và là một “đầu nậu” có tiếng trong giới đam mê bò sát ở Đà Nẵng. Bén duyên với thú chơi bò sát từ năm 2015, Tuấn từng nuôi đủ các loại động vật hoang dã như trăn gấm, trăn đất, kỳ nhông, cự đà… “Khoảng năm 2014, phong trào nuôi bò sát nở rộ, thu hút nhiều người tham gia. Ở Đà Nẵng cũng có một hội bò sát, các bạn thường xuyên tổ chức gặp mặt, chia sẻ kinh nghiệm nuôi các loài bò sát và trao đổi, buôn bán bò sát”, Tuấn kể.
Sau một thời gian, thấy nhu cầu mua bò sát để nuôi trong cộng đồng tăng cao, sẵn gia đình có người quen ở vùng núi Quảng Nam, Tuấn bắt đầu buôn bán các loài bò sát để kiếm lời. Thời điểm đó, Tuấn vẫn suy nghĩ việc nuôi và chăm sóc các loài động vật hoang dã sẽ tốt hơn việc để chúng ở ngoài tự nhiên, tự sinh tồn và kiếm ăn. “Mọi người nuôi bò sát đều bỏ công tìm hiểu tập tính của loài, sắm sửa lồng, thức ăn, đồ chơi… cho “thú cưng” rất bài bản. Lúc đó, em cảm thấy chúng hạnh phúc hơn khi được chăm bẵm với điều kiện tốt như vậy”, Tuấn nói.
Đặng Thái Tuấn đam mê nuôi bò sát và buôn bán các loài động vật hoang dã để kiếm lời |
Giữa năm 2017, lần đầu tiên, Tuấn một mình lái xe đi khám phá Sơn Trà. Đến khu vực đỉnh Bàn Cờ, Tuấn nhìn thấy một chú voọc trong tán lá. “Đến tận bây giờ em vẫn nhớ cảm giác đứng hình của mình lúc đó. Chưa bao giờ em thấy con vật gì đẹp đến vậy”, Tuấn nhớ lại. Cùng thời gian đó, những con vật mà Tuấn nuôi chết nhiều, một phần do Tuấn bận rộn mà chăm sóc chưa tốt, một phần việc nuôi trong lồng khiến chúng không được phơi đủ nắng. Nghĩ về chú voọc vui vẻ chuyền cành trên Sơn Trà, trong đầu Tuấn nhen nhóm suy nghĩ: “Có phải chúng nên thuộc về tự nhiên?”.
Lần mò trên mạng, Tuấn tìm đến Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh (Green Việt) - nơi có nhiều chương trình nghiên cứu và bảo vệ loài voọc chà vá chân nâu và bán đảo Sơn Trà để xin làm tình nguyện viên. Đến đây, Tuấn gặp được nhiều người trong cộng đồng những người yêu môi trường, làm công tác bảo tồn động, thực vật và được truyền cảm hứng.
Năm 2018, Tuấn đăng kí trở thành tình nguyện viên của câu lạc bộ (CLB) thành viên ENV Đà Nẵng (trực thuộc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam - ENV, tổ chức phi chính phủ hoạt động chuyên sâu về lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã). “Trước đó, em là “anti-fan” của ENV vì em vẫn giữ suy nghĩ việc nuôi động vật sẽ cho chúng môi trường sống tốt hơn tự nhiên. Tuy nhiên, khi tham gia làm tình nguyện viên, mình tận mắt chứng kiến những vụ việc ngoài sức tưởng tượng khi người ta nuôi nhốt thú hoang trong những chiếc lồng nhỏ, bẩn thỉu hay biến chúng thành mồi nhậu. Điều đó thay đổi suy nghĩ của em, thôi thúc em gắn bó hơn với công việc này”, Tuấn chia sẻ.
Cạo đầu, nhập vai để giải cứu thú rừng
Thời kì đầu khi đến với ENV, Tuấn tự ti về quá khứ của mình, cậu khóa hết tất cả những bài đăng trên Facebook cá nhân trước đây về việc nuôi nhốt, bán động vật hoang dã. “Trước đây, em cũng không dám chia sẻ câu chuyện này với ai. Nhưng sau này, khi càng đi nhiều, làm nhiều, tiếp xúc với những người đi trước, em mạnh dạn chia sẻ, lan tỏa câu chuyện này đến với mọi người”, Tuấn nói.
Tuấn trở thành một tình nguyện viên năng nổ của ENV Đà Nẵng. Từ một cậu học sinh non nớt theo chân các tiền bối, chuyên gia khảo sát của ENV, Tuấn trở thành “chuyên gia” khảo sát và giải cứu các loài động vật hoang dã bị nuôi nhốt hoặc đi lạc ở Đà Nẵng. Năm 2019, Tuấn trở thành Chủ nhiệm CLB ENV Đà Nẵng, mở rộng các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ động vật hoang dã, song song với việc khảo sát các trường hợp vi phạm luật bảo vệ động vật hoang dã.
Tham gia các hội, nhóm trao đổi, mua bán thú rừng hoặc thịt thú rừng trên Facebook, Tuấn sẽ tìm kiếm thông tin của người bán qua facebook cá nhân, hoặc đóng vai người mua hàng để nhắn tin hoặc gọi điện. “Sau khi có thông tin cụ thể về đối tượng đó, em sẽ chuyển thông tin lại cho Trung tâm để gửi cho cơ quan chức năng xử lý”, Tuấn nói.
Những ngày sau dịch, dù vẫn chưa phải trở lại trường vì chủ yếu học online, nhưng Tuấn tất bật. Lật giở danh sách đầy 2 tờ giấy A4, Tuấn cho biết đó là những địa điểm nuôi nhốt, buôn bán động vật hoang dã mà ENV Đà Nẵng nhận được thông qua đường dây nóng. “Nhiệm vụ của em là nhanh chóng khảo sát những địa điểm này, ghi nhận các trường hợp vi phạm nếu có bằng việc quay phim, chụp hình rồi báo lại cho các cơ quan chức năng để xử lý và thả các cá thể động vật hoang dã về lại tự nhiên”, Tuấn giải thích.
Lướt những tấm hình trên nhóm Facebook của CLB, Tuấn kể có một dạo cậu phải cạo đầu trọc lóc để đi khảo sát. “Chẳng nơi nào thấy một cậu nhóc sinh viên lon ton vào hỏi mà “khai” ra là mình có bán thú rừng cả. Em cạo đầu trọc cả một thời gian dài, ăn mặc bụi bặm, làm mặt hằm hằm trông giống dân anh chị để đi khảo sát những cơ sở bán móng hổ, mật gấu, vảy tê tê…”, Tuấn kể.
Đối với các nhà hàng, quán nhậu, Tuấn cùng một vài bạn TNV trong CLB thường nhập vai làm nhân viên công ty du lịch, đi khảo sát thực đơn các món “độc, lạ” cho khách để khảo sát xem nơi đó có buôn bán động vật hoang dã hay không. “Thường thì em sẽ đi cùng một bạn TNV biết tiếng Trung, giới thiệu mình đến từ công ty du lịch cần đặt món cho khách, hoặc cho sếp sắp từ Hà Nội, TPHCM vào. Những nơi đó, khi có khách hỏi, họ sẽ đưa những hình ảnh trong điện thoại hoặc thực đơn riêng chuẩn bị sẵn để khách chọn, chứ không bao giờ viết các món đó lên thực đơn công khai”, Tuấn giải thích.
Đầu tháng 10, lúc gần khuya, nhận được tin báo của một chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH số 5 (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) về một chú trăn “đi lạc” vào khuôn viên đơn vị, Tuấn tức tốc có mặt để hỗ trợ. Chỉ mất một thời gian ngắn, cùng sự hỗ trợ của mọi người, Tuấn đã bắt được chú trăn và nhốt tạm vào bao tải. Ngay sáng hôm sau, chú trăn đất dài 1,3m, nặng khoảng 4kg được bàn giao cho lực lượng kiểm lâm Sơn Trà để thả về tự nhiên.