Chàng trai Ba Na với niềm đam mê thổ cẩm

0:00 / 0:00
0:00
Anh Tưih cùng cha mẹ trong bộ ảnh cưới
Anh Tưih cùng cha mẹ trong bộ ảnh cưới
TP - Ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Tưih rất thích những sợi len đủ màu sắc, mê mẩn nhìn mẹ và chị dệt bên khung cửi. Niềm đam mê thổ cẩm của anh bị mẹ từ chối bởi quan niệm con trai phải học tạc tượng, đánh cồng chiêng, đan lát, còn dệt vải là việc của phụ nữ, con gái trong nhà…

Thế nhưng, mẹ Tưih đã phải thay đổi quan niệm khi nhìn thấy sản phẩm đầu tay do chính anh dệt. Bà đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, “buộc” phải đồng ý cho con thỏa sức đam mê.

Biến hóa

Ngày ấy, các mẹ, các bà thường hãnh diện khi con gái biết xe sợi, dệt vải, còn trai làng mê đắm những cô gái chăm làm, dệt giỏi. Từ trong tâm thức, họ coi việc phải truyền nghề dệt cho con gái là bổn phận và trách nhiệm.

Như bao đứa trẻ Ba Na khác trong làng, cậu bé Tưih (làng Dur, xã Glar, huyện Đắk Đoa, Gia Lai) lớn lên cùng những đêm kể sử thi, nghe tiếng giã gạo, xem các chàng trai, cô gái mặc đồ truyền thống nắm tay nhau nhảy múa bên bếp lửa bập bùng. Tưih yêu hoa văn tinh tế trên những tấm thổ cẩm. Khi các bạn cùng trang lứa say sưa bắn nỏ, bẫy chim, Tưih lân la cạnh khung cửi xem mẹ và chị dệt. Niềm đam mê, yêu thích văn hóa độc đáo Ba Na lớn dần theo năm tháng. Mẹ Tưih luôn ủng hộ thế hệ trẻ lưu giữ những giá trị truyền thống, nhưng bà phản đối con trai học dệt. Thế rồi, đến khi nhìn thấy sản phẩm Tưih dệt, bà đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, “buộc” phải đồng ý cho con thỏa sức đam mê.

Chàng trai Ba Na với niềm đam mê thổ cẩm ảnh 1

Những chiếc váy cưới được thiết kế theo phong cách truyền thống và hiện đại

Theo năm tháng, tiếng thoi đưa lách cách từ bàn tay cần mẫn, khéo léo của những cô gái Ba Na mộc mạc nơi núi rừng Tây Nguyên ngày đêm cặm cụi bên khung cửi vắng dần. Cuộc sống hiện đại cuốn họ vào gánh nặng mưu sinh. Thấy thổ cẩm truyền thống dần mờ đi ở các buôn làng, những khung dệt bị cất vào một xó cho nhện giăng tơ, Tưih muốn níu lại nét văn hóa đẹp ấy. Anh lên ý tưởng làm mới trang phục truyền thống theo xu hướng hiện đại, đưa thổ cẩm của đồng bào dân tộc tại địa phương lên trang phục cưới. Tưih tự mình lên ý tưởng và thiết kế. Khi cầm tấm thổ cẩm trên tay, đôi mắt đen tròn rợp mi ấy đăm chiêu làm sao để thể hiện sự mềm mại của chiếc váy cưới, bởi thổ cẩm là chất liệu thô, cứng. Anh dành khá nhiều thời gian để đo kích thước, phom dáng chuẩn nhất. Với lợi thế về nguồn thổ cẩm sẵn có, được mẹ và chị gái hỗ trợ dệt thủ công, anh chỉ mất một tháng để hoàn thành chiếc váy đầu tiên.

“Tôi đã kết hợp những chiếc váy cưới truyền thống nhẹ nhàng, chú trọng về sự kín đáo của người phụ nữ Ba Na với phong cách áo, váy cưới hiện đại được làm từ thổ cẩm để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của mọi người” anh Tưih cho biết. Khi sản phẩm ra đời, anh tìm cách lan tỏa bản sắc dân tộc và vẻ đẹp quê hương nơi anh sống đến mọi người trên đất nước.

Trong bộ ảnh do chính anh đạo diễn, mẹ trở thành cô dâu xinh đẹp một cách đặc biệt bên bố Tưih. Bà rạng rỡ, tự tin trong bộ váy cưới hiện đại được may từ tấm vải do bà dệt. Bà xúc động vì được khoác lên mình chất liệu quen thuộc đó.

Anh Tưih chia sẻ: “Sau khi bộ ảnh đăng tải trên mạng xã hội đã nhận được nhiều tín hiệu tốt. Hiện, người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã hỏi mua váy rất nhiều. Một số người nước ngoài cũng liên hệ mong muốn hợp tác cùng phát triển áo cưới thổ cẩm. Vì chưa có nhiều kinh nghiệm và kinh phí còn hạn hẹp, một phần muốn có thêm thời gian để từng bước sáng tạo nên tôi chưa đồng ý”.

Anh Tưih nói rằng, ban đầu lên ý tưởng là muốn lan tỏa văn hóa truyền thống của người Ba Na đến với mọi người. Mỗi đồng bào đều có những trang phục truyền thống rất đẹp. Thiết kế váy cưới theo phong cách này, anh tìm hiểu kỹ qua các kênh trên internet… hạnh phúc khi sản phẩm ra đời nhận được sự ủng hộ đông đảo của mọi người.

Yêu nghề

Cái nắng vàng hanh mùa khô phủ khắp núi đồi, cảnh sắc nơi đây tạo riêng một vẻ đẹp hiếm có hiện hữu giữa đất trời mênh mông, cỏ cây ngút ngàn, triền đồi rợp ngời lá xanh điểm xuyết màu trắng từ chùm hoa cà phê bung nở. Trường Tiểu học số 1 Ia Băng (huyện Đắk Đoa) tĩnh lặng giữa buổi ban chiều, thầy giáo Tưih ân cần cầm tay các em nhỏ người Ba Na viết chữ.

Anh Tưih (năm nay đã 31 tuổi-PV) tâm sự, học sinh ở đây còn khó khăn, cha mẹ chưa quan tâm nhiều đến con nên các em học còn yếu. Năm học 2020 -2021, kết quả kiểm tra chất lượng đầu năm, lớp anh chủ nhiệm có 8-9 em chưa thuộc bảng chữ cái.

Tốt nghiệp đại học, anh Tưih nhận công tác tại Trường Tiểu học số 1 Ia Băng, hiện anh là giáo viên chủ nhiệm lớp 2. Sinh ra và lớn lên từ làng, anh hiểu được tâm lý con trẻ và phụ huynh. Trong thời gian công tác tại đây, anh luôn yêu thương học sinh, tận tâm với nghề.

Khi Tây Nguyên bắt đầu mùa mưa, người ta lại thấy thầy giáo Tưih lội bùn đất đến từng nhà học sinh. Vào vụ mùa thu hoạch, phụ huynh quần quật trên nương rẫy từ sáng đến tối mịt, bỏ bê con trẻ ở nhà, anh cùng các giáo viên trong trường vào tận nhà để vận động các em đến trường. Mỗi học sinh đến lớp, nhà trường duy trì được sĩ số, đó là niềm hạnh phúc không chỉ riêng anh mà của tất cả thầy cô. Mỗi buổi chiều trong tuần, anh Tưih dạy phụ đạo miễn phí cho học sinh chưa thành thạo chữ cái. Buổi tối, anh lặn lội hàng chục cây số từ nhà mình đến nhà học sinh để kèm thêm. Nhờ sự nỗ lực của thầy và sự chăm chỉ của trò, hiện nay 25/25 học sinh lớp anh chủ nhiệm đều thuộc chữ cái.

Ông Ayăm, phụ huynh em Hjnh (trường Tiểu học Ia Băng, huyện Đắk Đoa) cho biết: “Vì lo chuyện nương rẫy nên tôi ít có thời gian quan tâm đến việc học tập của con. Nhờ có thầy Tưih luôn quan tâm, động viên cháu và mỗi tối thường đến nhà kèm cặp,cháu đã học tốt hơn rất nhiều. Vừa qua cháu đạt học sinh khá, gia đình chúng tôi vui lắm”.

Ngoài thời gian dạy học, những ngày nghỉ, kỳ nghỉ hè, anh Tưih dành hết thời gian cho đam mê nhiếp ảnh và thiết kế các mẫu váy cưới bằng chất liệu thổ cẩm. Gắn bó, đồng hành từ buổi ban đầu với anh, chị Đinh Thị My Giang (người Ba Na) chia sẻ: “Tôi cũng giống anh Tưih, muốn nhân rộng bản sắc văn hóa của dân tộc mình đến với nhiều người. Hi vọng từ những bộ ảnh mang váy cưới truyền thống của chúng tôi có thể lan tỏa được nhiều hơn nữa”.

Từ năm 2020 đến nay, anh Tưih chụp hàng trăm bộ ảnh cưới, ảnh lưu niệm từ những mẫu đồ thiết kế của mình. Nhờ đó, anh được rất nhiều bạn trẻ ủng hộ, nhận làm mẫu cho các sản phẩm để giúp lan tỏa đến với cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng dân tộc như Ba Na, Gia Rai trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

MỚI - NÓNG