Chặn 'hàng xách tay' bằng tăng mức phạt?

Nhiều mặt hàng xách tay được bày bán chung với hàng có “chứng minh thư”
Nhiều mặt hàng xách tay được bày bán chung với hàng có “chứng minh thư”
TP - Tới đây, nếu kinh doanh hàng xách tay không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ sẽ bị phạt lên tới 200 triệu đồng. Việc tăng gấp đôi mức phạt được kỳ vọng ngăn chặn được hàng hóa xách tay trái phép vào thị trường trong nước.

Từ ngày 15/10/2020, Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Giá rẻ bất ngờ

Trưa ngày 8/10, tại một cửa hàng thực phẩm ngoại nhập trên đường Nguyễn Huệ (Q.1, TPHCM), chúng tôi được nhân viên giới thiệu khá nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ Nhật, Hàn, Mỹ như nấm sấy, rong biển khô, trái cây sấy… có giá từ 120.000- 250.000 đồng/sản phẩm tùy lớn nhỏ.

Khi thắc mắc sản phẩm không có nhãn phụ tiếng Việt, nhân viên cho hay, toàn bộ sản phẩm đều là hàng xách tay, do người quen từ nước ngoài gửi về nên không có tiếng Việt. “Đảm bảo hàng thật chứ không phải giả, nhái nên chị cứ yên tâm” - nhân viên khẳng định. Chúng tôi ngỏ ý muốn mua nhiều nhưng phải xuất hóa đơn đỏ, cửa hàng này cho biết chỉ có hóa đơn bán hàng, nếu khách mua nhiều thì sẽ giảm giá đôi chút.

Tại cửa hàng mỹ phẩm chuyên kinh doanh sản phẩm của thương hiệu Victoria Secret nằm gần chợ Vườn Chuối (Q.3, TPHCM), các sản phẩm nước hoa toàn thân có giá cực rẻ, từ 50.000-120.000 đồng/chai; sữa tắm, sữa dưỡng thể… cũng có bằng 1/3-1/5 giá chính hãng.

“Sếp bên em thường đi đem về trong những chuyến công tác nước ngoài, sản phẩm rẻ do mua được vào mùa giảm giá”- nhân viên nói. Tuy nhiên, khi chúng tôi quay lại nơi đây đúng mùa dịch COVID-19, dù không ai có thể ra nước ngoài “săn hàng sale”, nhưng nơi này vẫn đầy ăm ắp các sản phẩm, thậm chí nhiều lô hàng mới được xe ôm chở tới vẫn chưa khui thùng (?!).

Chị Trang (ngụ Q.Bình Tân, TPHCM), từng có thời gian phụ việc cho một shop online chuyên bán hàng xách tay từ Mỹ tiết lộ, chủ shop thường livestream bán hàng khắp cả nước, doanh thu mỗi tháng cả tỷ đồng là bình thường.

“Tôi không biết hàng bày bán thật giả thế nào nhưng giá rất rẻ, như lọ nước hoa Lancome 50ml bán ở trung tâm thương mại có giá 3-4 triệu đồng/lọ, nhưng shop chỉ bán 1,2-1,5 triệu đồng. Do giá rẻ nên người đặt mua rất đông” - chị Trang cho hay.

Đa số tiểu thương kinh doanh hàng xách tay đều “mặc định” là hàng lậu. Tuy nhiên khi hỏi về việc sắp sẽ bị xử phạt nặng nếu không có hóa đơn chứng từ, nhiều người tỏ vẻ thờ ơ.

“Chúng tôi rất ít trưng bày hay trữ hàng hóa xách tay ở cửa hàng, thậm chí là vỏ hộp mà chủ yếu là bày hàng có “chứng minh thư”. Do đó khi cơ quan chức năng kiểm tra cũng rất khó phát hiện được hàng xách tay tại cửa hàng” - một người bán hàng tiết lộ.

Siết từ gốc?

Luật sư Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho rằng, sở dĩ hàng xách tay có đất sống vì người tiêu dùng tâm lý thích hàng ngoại.

“Hàng xách tay nếu chỉ sử dụng thì không sao, nhưng khi đã đem buôn bán thì phải có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc… Nếu không chứng minh được thì đó là hàng lậu” - ông Hưng khẳng định.

Theo luật sư Hưng, hàng xách tay hiện nay được bán chủ yếu qua hình thức trực tuyến, thương mại điện tử. Mà hình thức này muốn truy bắt, xử phạt là… vô phương. Cơ quan chức năng kiểm tra thường xuyên nhưng số vụ phát hiện, xử phạt chỉ mới là bề nổi của tảng băng chìm. Do đó, nhiều người bán hàng lậu online tiền tỷ mỗi tháng nhưng lại không đóng thuế.

“Không ai giàu nhờ bán hàng xách tay cả, mà là bán hàng lậu. Muốn quản lý tốt hàng lậu, phải siết từ hàng được tuồn vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở, qua cửa khẩu chính... và vai trò của chính quyền địa phương, của con người chứ không phải chờ khi hàng đã vào Việt Nam rồi, trưng bày lên kệ bán mới đến phạt. Do đó, tăng mức xử phạt chỉ là một trong những giải pháp, phải quản từ gốc” - ông Hưng nhấn mạnh.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cho rằng, người tiêu dùng khi mua thực phẩm ngoại gắn mác “xách tay” cũng cần lưu ý nguồn gốc, mua ở địa chỉ đáng tin cậy, có hóa đơn rõ ràng.

“Khách hàng đừng tin hàng ngoại là yên tâm mua, vì không biết thực chất đó là sản phẩm có phải giả, nhái nếu chỉ tin vào người bán qua mạng. Thực phẩm ăn uống liên quan đến sức khỏe nên càng phải cẩn trọng hơn” - bà Lan lưu ý.

Luật sư Trần Hải Ðức - Trưởng Văn phòng luật sư Trần Hải Ðức cho biết, việc tăng chế tài xử phạt chỉ là xử lý bề nổi của vấn đề. Việc chống hàng gian, hàng giả, hàng lậu chỉ phát huy hiệu quả khi thực hiện các biện pháp mang tính đồng bộ, quan trọng nhất từ lực lượng thực thi nhiệm vụ, phải ngăn chặn sự xâm nhập của hàng gian, hang giả, hàng nhập lậu từ khâu kiểm soát tại biên giới, tránh thâm nhập vào thị trường nội địa, lúc đó, việc chống lại chỉ mang tính đối phó.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.