Chân dung ngoại trưởng Triều Tiên được nhiều người khen

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho phát biểu với báo chí bên ngoài một khách sạn tại New York. Ảnh: AP.
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho phát biểu với báo chí bên ngoài một khách sạn tại New York. Ảnh: AP.
TP - Người gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump là “Ngài Tổng thống ma quỷ” tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc được khen là giỏi giang, hiểu biết, rất chăm chú nghiên cứu hồi ký của nhiều đời tổng thống Mỹ và tinh tế với các loại rượu whiskey.

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho được biết đến nhiều với bài phát biểu của ông hôm 23/9 trước đại diện 193 nước thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ). Ông nói rằng, bước đi tiếp theo của Triều Tiên có thể là kích hoạt một quả bom nhiệt hạch trên Thái Bình Dương, để đáp trả lại lời đe dọa của ông Trump rằng có thể “phá hủy hoàn toàn” đất nước 26 triệu dân.

Dù những tuyên bố hùng hồn vẫn được đưa ra từ Triều Tiên nhưng hiếm khi từ một nhà ngoại giao được bạn bè và đồng nghiệp mô tả là lịch sự, ăn nói ôn hòa, có khiếu hài hước và kỹ năng lý luận sắc sảo như ông Ri.

“Với vị trí một đối tác đàm phán, ông Ri làm rất tốt, với địa vị khá chắc chắn và có cách thức linh hoạt trong các cuộc đối thoại”, ông Wi Sung-lac, cựu phái viên Hàn Quốc tại các cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân Triều Tiên, kể lại. Cơ chế đàm phán 6 bên này đã bị ngừng. “Ông ấy rất linh hoạt và cơ bản là nói có lý lẽ”, ông Wi nói. Ông Wi gặp ông Ri hai lần vào năm 2011 trong nỗ lực nhằm tái khởi động các cuộc đối thoại do Trung Quốc làm chủ nhà.

Ông Ri có tiếng là người giỏi dịch các khẩu hiệu tuyên truyền của Triều Tiên sang ngôn ngữ ngoại giao chừng mực khi tiếp xúc với các nhà ngoại giao phương Tây. “Ông ấy không chỉ nhắc lại những lời của nhà lãnh đạo Kim Jong-un”, một người biết ông Ri nhận xét. “Ông ấy thích đọc hồi ký của các cựu tổng thống Mỹ như Nixon và Bush.

Ông ấy cũng thích đọc về Kissinger. Ông ấy cố gắng hiểu suy nghĩ của người Mỹ”, nguồn tin giấu tên nói với Reuters. “Nếu có bất kỳ cuộc tranh luận nào về chính sách của Mỹ ở Triều Tiên, ông ấy là người thường đưa ra những ý tưởng và chiến thuật mới. Ông ấy là một chiến lược gia”, nguồn tin mô tả.

Ngoại trưởng Ri khước từ đề nghị phỏng vấn của Reuters khi ông đang ở New York để tham dự kỳ họp của LHQ.

Bị xa lánh

Sinh năm 1956, ông Ri là con trai của ông Ri Myong-je, cựu phó chủ nhiệm một cơ quan thuộc đảng Lao động Triều Tiên chuyên giám sát việc bổ nhiệm các vị trí quản lý chủ chốt, theo thông tin từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc. Cha ông còn là biên tập viên của hãng thông tấn Triều Tiên KCNA.

Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ danh tiếng ở Bình Nhưỡng, ông Ri nói tiếng Anh trôi chảy và từng đảm nhận nhiều vị trí cấp cao để xử lý quan hệ với phương Tây. Từ năm 2003 đến 2007, ông là Đại sứ Triều Tiên tại Anh. Ông sống tại London cùng vợ và con gái, trong khi con trai ông ở lại Bình Nhưỡng.

“Ông ấy có vốn tiếng Anh rất tốt và luôn khiến tôi ngạc nhiên với những từ ngữ trau chuốt. Ông ấy sẵn sàng xuất hiện công khai và đối diện với các câu hỏi”, ông James Hoare, cựu đại diện ngoại giao Anh tại Bình Nhưỡng, kể. Ông Hoare từng gặp ông Ri thường xuyên tại London và từng mời ông Ri đến nhà ăn tối. “Dù bây giờ chức vụ cao hơn nhưng ông ấy vẫn là người lịch sự và thân thiện”, ông Hoare nhận xét.

Cánh báo chí từng chứng kiến ông Ri thể hiện khiếu hài hước trong một dịp gần đây, khi họ hỏi ông tại New York rằng ông nghĩ thế nào về biệt danh “Người tên lửa” mà Tổng thống Trump gán cho nhà lãnh đạo Triều Tiên. “Tôi thấy tiếc cho các trợ lý của ông ấy”, ông Ri nói. Ngoại trưởng Triều Tiên cũng nói rằng, ngay cả người Mỹ còn gọi ông Trump là “Commander in Grief” - “Tư lệnh đau buồn” (nói chệch của từ Commader in chief – Tổng thư lệnh). “Vua nói dối”, “Tổng thống Ma quỷ”.

Ông Evans Revere, cựu quan chức ngoại giao từng xử lý vấn đề Triều Tiên dưới thời cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, mô tả ông Ri là người tự tin và thoải mái trong mọi hoàn cảnh. “Đằng sau nụ cười và khiếu hài hước là một người đàn ông dường như có niềm tin mạnh mẽ vào đường lối của chế độ”, ông Revere nhận xét.

Nhưng nhà ngoại giao được nhiều người khen ngợi này đang ngày càng bị cô lập khi cộng đồng quốc tế tìm cách trừng phạt Triều Tiên vì chương trình hạt nhân và tên lửa tiến bộ nhanh chóng của họ. Ông Ri lủi thủi ở bữa tiệc tối trong dịp diễn ra diễn đàn an ninh thường niên của ASEAN tại Lào năm 2016, khi những ngoại trưởng khác trò chuyện vui vẻ với nhau. Phái đoàn một nước phương Tây tham gia diễn đàn này đã đổi chỗ ngồi để tránh ngồi cạnh ông Ri, nói rằng “không muốn bị chụp ảnh đang ngồi ăn tối cạnh ông ấy”, một nhà ngoại giao Hàn Quốc kể, nhưng từ chối cho biết tên quốc gia.

Diễn đàn khu vực của ASEAN năm nay tại Philippines vào tháng 8 diễn ra tại thời điểm Hội đồng Bảo an LHQ vừa thông qua các biện pháp trừng phạt mới với Triều Tiên sau 2 vụ thử tên lửa đạn đạo vào tháng 7. Ông Ri được trông thấy trong bộ dạng im lặng và mặt lạnh, trong khi ông chỉ gặp 4 trong 27 ngoại trưởng tham dự diễn đàn. Không nói chuyện với Ngoại trưởng Ri tại Đại hội đồng LHQ là sự “bỏ lỡ cơ hội” của Washington, vì ông Ri có quan hệ gần gũi với gia đình nhà lãnh đạo Kim, ông Joel Wit, người quản lý trang web 38 North (nội dung về Triều Tiên) và là cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, đánh giá. Ông Wit từng gặp ông Ri hơn 20
năm trước.

Triều Tiên hôm qua nói rằng gần 5 triệu người dân của họ đã đăng ký sẵn sàng tham gia hoặc tái gia nhập quân đội Triều Tiên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa “phá hủy hoàn toàn” đất nước họ. Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin, khoảng 4,7 triệu “sinh viên và công nhân”, trong đó có hơn 1 triệu phụ nữ đã tình nguyện tham gia quân đội trong bối cảnh có nguy cơ xảy ra xung đột với các nước láng giềng và Mỹ. Bản tin cũng nói rằng, người dân Triều Tiên muốn gia nhập quân đội để bảo vệ “lãnh đạo và chế độ xã hội chủ nghĩa” và để đập tan “đế quốc Mỹ đã dọa phá hủy hoàn toàn Triều Tiên”. 
MỚI - NÓNG