Trải nghiệm của nhóm tác giả trong trận bão sa mạc gần khu vực Kim Tự Tháp . |
Đầu tháng 3/2013 trong lúc Ai Cập đang bất ổn, lệnh giới nghiêm và biểu tình khắp nơi nhưng nhận được vé đã đặt theo chương trình giảm giá của Singapore Airlines trước cả năm, chúng tôi vẫn lên đường.
Mặc kệ những bất ổn hằng ngày được đăng nhan nhản trên các phương tiện truyền thông, chúng tôi vẫn quyết tâm đi, chấp nhận rủi ro khi đề cử 8X Nguyễn Hoàng Giang, thành viên diễn đàn nhiếp ảnh Photo&Me làm trưởng đoàn, lo lên lịch cho 10 ngày đi lại, ăn ở, chi tiêu…
Chúng tôi gồm 7 thành viên, Nguyễn Hoàng Giang, Nguyễn Thanh Thủy, Trần Trung Hiếu (hiện sống và làm việc tại Ai Cập, bạn học từ nhỏ với Giang), vợ chồng tôi, vợ chồng anh Vũ Quang Huy, chủ của chuỗi cửa hàng chữa xe máy, ôtô V Auto Club ở Hà Nội. Chúng tôi transit ở Singapore, từ đó bay qua Dubai rồi bay tới Cairo.
Nhìn từ trên máy bay, Cairo một bên là khu dân cư sinh sống còn một bên là sa mạc với những đụn cát lô nhô. Ấn tượng đầu tiên của tôi nhìn Cairo từ trên cao là thành phố quy hoạch khá ngăn nắp, nhà chung cư thấp đều san sát, cả thành phố trải một màu nâu của đất cát.
Máy bay hạ cánh kết thúc chặng di chuyển cuối kéo dài 20 giờ đồng hồ và chúng tôi đặt những bước chân đầu tiên trên đất nước Ai Cập. Bầu trời Cairo nắng chan hòa không gợn mây, không khí lạnh và khô của vùng bắc Phi tràn vào phổi.
Đi đường như đánh trận
Sân bay Cairo khá vắng vẻ, chắc có lẽ đất nước du lịch này đang ở trong thời kỳ thất thu trầm trọng vì những bất ổn trong nước. Trên đường đi từ sân bay đến chỗ ở của Trần Trung Hiếu, đang sống và làm việc tại trung tâm thành phố khoảng 30 phút lái xe.
Tôi háo hức quan sát Cairo như một đứa trẻ lần đầu xuất ngoại. Hình như ở Cairo không có chiếc xe ôtô nào lưu hành trong trạng thái lành lặn! Nhiều năm sinh sống ở đây, Hiếu nói như vậy. Chúng tôi bắt gặp những chiếc xe từ những thập niên 60, 70 thế kỷ trước của Liên Xô (cũ)… Xe ở đây nó móp méo, xước xát và hầu như không ai quan tâm việc sơn sửa sau khi va quệt.
Khi leo lên xe taxi ở Cairo mới thấy hết cái sự lạ. Người lái xe taxi ở Cairo có thể một tay giữ cửa xe khỏi bung ra, tay kia lái xe, tai nghe nhạc cầu kinh đạo Hồi, mắt đảo tìm khoảng trống hiếm hoi trong dòng xe tắc đường.
Mỗi khi có khoảng trống dù chỉ vài mét, anh tài xế huýt sáo ra hiệu vút một cái, xe chồm tới, hành khách giật ngược ra sau, gần tới đuôi xe khác lập tức đạp phanh ken két. Tôi lén nhìn, mặt tài xế tỉnh queo.
Ngồi trong xe, nếu tắc đường thì thấy còn khá an toàn còn nếu đường thông thì thực sự bạn phải bám chặt ghế ngồi rồi hóa đá trong trạng thái vô thức. Đi như vậy nên xe va quệt, vỡ gương, móp cánh cửa, rụng ba đờ sốc là lẽ thường ở cái thành phố hối hả này.
Tuy nhiên, có một điều khác biệt đáng học tập: Tuy người Cairo đi xe chen lấn như một cuộc chiến trên đường nhưng họ không bao giờ la ó, lườm nguýt, mắng chửi nhau hay có bất cứ thái độ khó chịu ăn thua nào dù chỉ là nhỏ nhất. Họ chỉ tranh thủ len lên khi có thể.
Nhà cửa ở Cairo cũng chẳng khá hơn những chiếc xe chiến mã của họ là bao. Thành phố Cairo nói chung khá bẩn bởi hai lý do chính, đó là rất ít mưa và họ ở gần sa mạc, mỗi lần bão cát, cả thành phố bao trùm bởi cát bụi.
Cả thành phố khoác bộ áo nâu đất bẩn bẩn. Nhà cửa ở Cairo xây không cao, trông như những khu tập thể cũ ở Việt Nam vậy. Chúng tôi gặp nhiều nhà xây xong không trát vữa, lăn sơn bên ngoài vì không có mưa nhưng quan trọng hơn là chủ nhà không bị đánh thuế nhà đã hoàn thiện.
Những cuộc giằng co ở chợ cổ
Chúng tôi tranh thủ thời gian bắt taxi cảm giác mạnh để đến chợ cổ Khan el-Khalili, khu chợ lớn nhất của thế giới Ả rập được ra đời từ năm 1382. Đến đây, các bạn sẽ lập tức có cảm giác phấn khích và thèm khát mua bán vì hàng hóa nào ở đây cũng phủ đầy màu sắc văn hóa Ả rập huyền ảo. Thế nhưng, bạn sẽ hơi buồn nếu biết rằng hơn 70% sản phẩm ở đây là hàng của Trung Quốc.
Mua bán tại chợ cổ El Khalili . |
Hàng hóa nhiều vô kể, thế nhưng khi mua bán là cả một vấn đề nan giải với đa số du khách. Những người bán hàng Ai Cập nổi tiếng nói thách, điều này tôi đã được cảnh báo trong cẩm nang du lịch về Ai Cập của dân “phượt” châu Âu.
Ra chợ cổ Khan el-Khalili người bán hàng thường hét giá cao 5-10 lần. Phải trả giá mới không bị hớ. Khi bạn không đồng ý mua và bỏ đi, họ sẽ đuổi theo đồng ý bán cho bạn giá bạn mong muốn, nhưng khi bạn quay lại cửa hàng của họ thì họ lại… đàm phán tiếp. Và thương vụ đó chỉ dừng lại khi bạn chịu thua họ. |
Giá bị hét cao gấp 5-10 lần giá thực tế có thể mua được. Các anh chàng bán hàng Ai Cập rất rảnh thời gian nên có thể cò kè với bạn hàng tiếng đồng hồ cho một món hàng bé xíu.
Công thức bán hàng của họ là: Nói giá, sau đó bạn chê đắt, họ hỏi bạn muốn mua bao nhiêu, nếu bạn nói thấp thì họ bắt đầu cò kè khoảng giữa và dai dẳng, họ gần như không cho bạn thoát đi… Ra chợ cổ Khan el-Khalili người bán hàng thường hét giá cao 5-10 lần.
Phải trả giá mới không bị hớ. Khi bạn không đồng ý mua và bỏ đi, họ sẽ đuổi theo đồng ý bán cho bạn giá bạn mong muốn, nhưng khi bạn quay lại cửa hàng của họ thì họ lại… đàm phán tiếp. Và thương vụ đó chỉ dừng lại khi bạn chịu thua họ.
Bản thân tôi mua một tượng Pharaoh bằng đá granit (thực ra là đá trộn hồ) làm kỷ niệm bị họ nói giá 2.500 Egyptian Pound (EP, khoảng 7,5 triệu VND) họ nói khe khẽ và huyền bí cứ như thể tôi đang mua cổ vật có một không hai vậy! Nhưng tôi tỉnh queo trả giá họ 250 EP (750 nghìn VND) họ gần như tức giận và tôi có cảm giác như sắp bị ăn đòn vậy. Tôi cũng tỏ vẻ bất cần và rốt cuộc họ bán với giá 250 EP, nhưng thú thực, tôi vẫn nghĩ bị mua hớ.
Chạm vào huyền thoại cuối cùng
Từ chỗ chúng tôi ở đến cụm Kim Tự Tháp Giza, kỳ quan cuối cùng của thế giới cổ đại còn sót lại trên hành tinh không xa lắm, chúng nằm ở phía Tây của Cairo. Ôtô đưa chúng tôi đi khoảng 30 phút thì tài xế Trung Hiếu nói khẽ như sợ hỏng cổ vật: “Kim Tự Tháp kia rồi!”. Tôi giật mình nhìn theo hướng chỉ tay, mờ mờ xa xa thôi thấy cái chóp. Đến gần một chút, tôi nhìn thấy rõ Kim Tự Tháp hơn. Mấy phút nữa được chạm vào rồi, tôi tự nhủ.
Dừng xe, chúng tôi mua vé vào cửa. Ai Cập là đất nước du lịch nên tiền vé tham quan khu du lịch của họ khá đắt, thường khoảng 50-100 Egyptian Pound (150-300 nghìn VND/lượt). Mua vé xong, Giang hí hửng đội cái khăn trên đầu kiểu người Hồi giáo.
Từ xa một người đàn ông phúc hậu cười tươi chỉ cái khăn trên đầu Giang và xua tay ra hiệu đã gấp khăn sai. Và người đàn ông đó tới gần và gập khăn lại cho Giang nhưng ngay lập tức ông ta chìa tay ra xin tiền công.
Giang bất ngờ và không chịu trả, người đàn ông đó không chịu đi, kiên quyết đòi bằng được. Đến khi Trung Hiếu gọi cảnh sát du lịch thì Giang mới được tha.
Còn tôi, thấy một em bé Ai Cập xinh xắn đang cưỡi lạc đà, giơ máy lên chụp, lập tức một người đàn ông khác lao đến: You take picture of my son, give me money! (Anh đã chụp ảnh con trai tôi, trả tiền cho tôi!). Thế là lại phải nhờ đến cảnh sát du lịch can thiệp.
Kim Tự Tháp thật to lớn và hùng vĩ! Tôi vứt bỏ hết những “thông số hiểu biết” của mình về cái công trình vĩ đại này và chỉ đơn giản là tiến tới, sờ vào một hòn đá nặng 2,5 tấn trong số 2,4 triệu khối đá tương tự dựng lên ngôi mộ vĩ đại này.
Chúng tôi mua vé nhưng không được đi bằng lối cửa chính. Khách du lịch chỉ được vào bằng con đường từ xa xưa những kẻ trộm đã phá Kim Tự Tháp tìm kho báu. Đi hết các dãy hành lang nhỏ bên trong dẫn đến căn phòng cuối cùng của Kim Tự Tháp. Bên trong căn phòng nhỏ này toàn bộ là đá hoa cương, được xếp với nhau khít đến mức con kiến cũng không thể chui lọt. Người dân bản xứ nói rằng các bức tường ở đây đều được tẩm thuốc độc để hại những kẻ trộm kho báu, làm kinh động đến giấc ngủ vĩnh hằng của Pharaoh.
Chúng tôi đi quanh quần thể Kim Tự Tháp Giza, lên ngọn đồi cao để có góc chụp ảnh đẹp nhất thì đột nhiên một trận bão cát lớn nổi lên. Thật may mắn chúng tôi có được một trải nghiệm thú vị đầu tiên trong đời với bão cát. Những hạt cát sa mạc như hàng triệu mũi tên bắn thẳng vào người, lạc đà đi chậm hẳn lại rồi quỳ đưa khách xuống, những người đàn ông chăn lạc đà trốn sau lưng lạc đà...
Vậy là thỏa ước nguyện từ bé là được chạm tay vào Kim Tự Tháp! Niềm vui nho nhỏ nhưng với cá nhân tôi có ý nghĩa rất lớn: Một ước mơ đã thành hiện thực.
Lén chụp xác ướp của Pharaoh
Bảo tàng Ai Cập là nơi không thể bỏ qua khi tới Cairo, nơi chứa bộ sưu tập đồ cổ Pharaohic lớn nhất thế giới và kho báu của vị Pharaoh nổi tiếng Tutankhamun. Bên cạnh bảo tàng là tòa nhà của đảng do Tổng thống Mubarack cầm quyền đã bị người biểu tình đốt. Chính những kẻ hôi của trong các cuộc biểu tình năm 2011 đã xông vào tòa nhà để cướp đi hiện vật khiến bảo tàng phải đóng cửa.
Xác ướp nguyên bản của các Pharaoh . |
Bên trong bảo tàng không cho phép chụp ảnh, thật đáng tiếc, tuy nhiên Iphone cũng phát huy được tác dụng. Bên trong bảo tàng chứa nhiều các hiện vật từ bé xíu như các đồ trang sức của Pharaoh đến các tượng đá lớn khổng lồ… Thích nhất là được ngắm đồ trang sức của Tutankhamun bằng vàng thật, ngay cả đôi dép xỏ ngón cũng là một miếng vàng mỏng có quai cũng bằng vàng.
Bên trong bảo tàng có một căn phòng rất đặc biệt, đó là nơi lưu giữ những xác ướp thật còn nguyên. Giá vào căn phòng là khoảng 400 nghìn VND/người. Bên trong là các Pharaoh hầu như còn nguyên vẹn. Tôi lén lấy iPhone ra chụp nhưng bị phát hiện nên chỉ chụp được một vài kiểu.