Chậm thu phí tự động do... “nhiều vướng mắc”

Còn nhiều trạm thu phí chưa triển khai thu phí tự động, Bộ GTVT phải xin Thủ tướng gia hạn thêm 1 năm Ảnh: Phạm Thanh
Còn nhiều trạm thu phí chưa triển khai thu phí tự động, Bộ GTVT phải xin Thủ tướng gia hạn thêm 1 năm Ảnh: Phạm Thanh
TP - Bộ GTVT thừa nhận, tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng chậm so với yêu cầu của Thủ tướng. Với vấn đề thu phí BOT, dù đã bớt căng thẳng, nhưng vẫn còn một số trạm có phát sinh... thông tin được đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Tổng cục Đường bộ, diễn ra sáng 26/12.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Xuân Cường cho biết, thu phí tự động lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam, phức tạp về kỹ thuật, công nghệ, pháp lý... nên triển khai chậm so với yêu cầu của Thủ tướng.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tất cả các trạm thu phí trên cả nước phải thu phí tự động trước 31/12/2019, nhưng tới nay giai đoạn 1 còn một số trạm chưa hoàn thành, còn giai đoạn 2 xong đấu thầu nhưng liên danh chưa lập được doanh nghiệp dự án. Do đó, triển khai thu phí tự động tiếp tục là nhiệm vụ hàng đầu của Tổng cục Đường bộ triển khai trong năm 2020. Theo ông Cường, trong năm 2018 - 2019, đã thực hiện giảm phí tại 41/62 dự án BOT đường bộ. 

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, dù đâu đó vẫn còn trạm thu phí phát sinh các vấn đề, nhưng chủ yếu rơi vào các trạm thu phí mới, như trạm thu phí trên quốc lộ 26. Với các trạm thu phí khác, dù để giải quyết còn nhiều khó khăn, nhưng tình hình đã ổn định hơn năm 2018. Ông Thể cũng thừa nhận, việc triển khai còn chậm so với tiến độ Thủ tướng giao, do gặp nhiều vướng mắc.

Về công tác xây dựng thể chế, theo người đứng đầu ngành giao thông, trong ít ngày tới, Thủ tướng sẽ ký ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 46 và 86. Đây sẽ là cơ sở để lập lại trật tự vận tải, xoá xe dù bến cóc, vận tải trá hình, quản lý các hoạt động vận tải mới phát sinh. Đồng thời, hình thức xử lý vi phạm không chỉ trực tiếp, mà còn xử phạt nguội qua camera và công nghệ thông tin. Đây cũng là nền móng cho sửa đổi Luật Giao thông đường bộ sẽ thực hiện trong năm 2020.

Ông Ngô Thịnh Đức, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường Việt Nam (nguyên Thứ trưởng GTVT) cho rằng, với triển khai thu phí tự động, để giải quyết vấn đề chậm tiến độ triển khai, điều quan trọng hiện nay là liên kết với ngân hàng để người dân thuận tiện trong sử dụng, tăng người dùng, việc này không thể dùng mệnh lệnh hành chính. 

Góp ý cho ngành đường bộ, ông Đức cho rằng, vấn đề chất lượng công trình cần đặc biệt lưu ý. Hiện trên thị trường có rất nhiều công nghệ mới, nhưng khi triển khai cần lựa chọn đơn vị có công nghệ gốc, được chứng nhận sáng chế, không phải công nghệ copy (sao chép). Bài học đắt giá khi sử dụng công nghệ copy là sửa chữa mặt cầu Thăng Long năm 2009, để khi xảy ra sự cố không quy được trách nhiệm và yêu cầu khắc phục được.

Theo Tổng cục Đường bộ, tới nay đơn vị đã phối hợp với Bộ Công an chia kết nối và chia sẻ dữ liệu cấp giấy phép lái xe, vi phạm của tài xế, không để xảy ra tình trạng tài xế bị giữ giấy phép lái xe lại khai báo mất để được cấp lại. Thời gian tới sẽ tiếp tục liên thông dữ liệu với ngành Y tế, Công an để liên thông dữ liệu khám sức khỏe, quản lý vi phạm, nhân thân của tài xế để phục vụ cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến cấp độ 4, và phục vụ quản lý hoạt động tài xế.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.