“Lò nóng” từ trên xuống dưới
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra quyết liệt, biểu hiện qua việc có đến 50 cán bộ diện T.Ư quản lý bị kỷ luật. Tuy nhiên, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, “cuộc chiến” này vẫn còn phức tạp, đầy khó khăn. Vì thế, sau hội nghị này cần phải mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn trong “cuộc chiến” chống tham nhũng. Ông bình luận thế nào về vấn đề này?
Đây là quan điểm rất đúng và rất thực tế. Nếu không chống tham nhũng quyết liệt, có hiệu quả thì cán bộ sẽ trở nên hư thân, mất nết, kéo theo nhiều nguy cơ xấu với đất nước. Đất nước nào cũng thế thôi, đều phải chống tham nhũng quyết liệt. Chúng ta thấy các bài học ở Hàn Quốc, Malayxia gần đây cho thấy, ngay cả đến Tổng thống, rồi cựu Thủ tướng cũng có thể bị điều tra, xử lý nếu “dính” đến tham nhũng.
Nhà nước của chúng ta là do dân, vì dân nhưng cán bộ lại “đục khoét” tài sản của nhân dân, của Nhà nước thì làm sao chấp nhận được. Cho nên vấn đề quan trọng bây giờ làm sao để phát huy được tinh thần chống tham nhũng trong toàn xã hội, đến với mọi cấp, ngành, mọi đảng viên, mọi cán bộ. Muốn làm được điều đó thì phải nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức đảng. Trong đó những cơ quan chuyên trách như Ủy ban Kiểm tra các cấp, thanh tra, kiểm toán, điều tra… phải làm một cách công minh, kịp thời.
Tương tự các cấp ủy phải vào cuộc mạnh mẽ hơn. Ở nơi nào, nếu bí thư cấp ủy mà không quyết liệt, e dè, ngại ngần, né tránh thì sẽ làm giảm sức chiến đấu của đơn vị đó. Những người này cần phải thay thế ngay, chứ không cần phải đợi hết tuổi, hết nhiệm kỳ. Bây giờ T.Ư cần phải rà soát toàn bộ những người đứng đầu các cấp ủy xem “sức chiến đấu” của họ với tệ nạn tham nhũng, tiêu cực ra sao? Nếu thấy, ai không có “sức chiến đấu” thì thay thế ngay bằng những người có năng lực, tài đức, có “sức chiến đấu”. Đấy mới là giải pháp căn cơ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Trong phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Bí thư yêu cầu giao cho UBKT T.Ư có thể chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng xuống đến cả đảng bộ cấp huyện và cơ sở khi cần thiết, tránh tình trạng bao che sai phạm trong nội bộ của các địa phương, cơ quan, đơn vị. Là người từng hoạt động trong lĩnh vực kiểm tra của Đảng, ông đánh giá thế nào về chỉ đạo này?
Trong bối cảnh hiện nay thì việc trao thẩm quyền cho UBKT T.Ư có thể kiểm tra, giám sát cả ở cấp huyện là phù hợp. Vì như gần đây chúng ta thấy, việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm ở trên “rất nóng” nhưng ở cấp dưới, nhất là cấp tỉnh, huyện thì vẫn “rất lạnh”. Có nơi vẫn chậm trễ, cầm chừng trong cuộc “chiến đấu” với tham nhũng, tiêu cực, thậm chí là còn cản trở “cuộc chiến” này. Do đó, việc UBKT T.Ư có thẩm quyền, có trách nhiệm hỗ trợ cấp dưới “đốt lò nóng” là rất cần thiết.
Như vậy, nếu xảy ra các vụ việc tiêu cực ở cấp huyện, nếu UBKT nơi đó, hoặc cấp tỉnh bao che, không làm, hoặc làm không hiệu quả thì UBKT T.Ư có thể vào cuộc. Từ việc vào cuộc này, UBKT T.Ư sẽ đúc kết kinh nghiệm để hướng dẫn, hỗ trợ UBKT các cấp thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Làm được như thế sẽ hỗ trợ UBKT các cấp “nóng” lên với cuộc chiến chống tham nhũng.
Truy trách nhiệm đến cùng, không loại trừ một ai
Thực tế, trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng thời gian qua cho thấy, có rất nhiều vụ việc vi phạm lúc đầu rất nhỏ nhưng do không ngăn chặn ngay từ đầu nên tích tụ thành sai phạm lớn. Vậy theo ông cần có giải pháp gì để hạn chế tình trạng trên, bảo đảm việc xử lý phải kịp thời, đúng người, đúng tội?
Từ lâu chúng ta đã xác định phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tuy nhiên trong thực tế việc thực hiện lại còn quá nhiều hạn chế. Điều này muốn nhấn mạnh rằng, trong công tác phòng chống tham nhũng phải kịp thời phát hiện và ngăn chặn các sai phạm ngay từ đầu.
Một câu hỏi đặt ra là hệ thống chính trị của chúng ta rất đầy đủ, với đủ mọi ban bệ, cấp ngành, nhưng tại sao vẫn để tham nhũng, tiêu cực, tràn lan, vẫn để sai phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn? Tại sao vẫn để những người có vi phạm leo cao, chui sâu vào bộ máy, thậm chí “chui” vào cả cán bộ cấp cao? Cho nên điều quan trọng nhất là phải nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng. Hiện nay hầu hết lãnh đạo các cấp, ngành, chính quyền địa phương trong bộ máy đều là đảng viên. Nếu những đảng viên đó không chăm lo, phụng sự đất nước mà chỉ chăm chăm “kiếm chác”, sẽ làm mất uy tín của Đảng. Những cán bộ hư hỏng, thoái hóa, biến chất đó cần phải bị xử lý nghiêm minh bởi các quy định của Đảng và quy định của pháp luật, kiên quyết không để sai phạm tích tụ, từ cái nhỏ thành cái lớn để lại hậu quả rất nặng nề cho đất nước.
Phát biểu kết luận hội nghị về công tác phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư nhấn mạnh đến yêu cầu làm nghiêm từ trên xuống dưới, không rút kinh nghiệm chung chung. Dư luận cũng băn khoăn đặt vấn đề rằng phải chăng để xảy ra hàng loạt vụ án tham nhũng nghiêm trọng như vừa qua có nguyên nhân từ sự bao che, dung túng, ông nhìn nhận thế nào về ý kiến này?
Bây giờ những vụ việc lớn mà hôm qua đã được hội nghị phòng chống tham nhũng nhắc đến như vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm); vụ án Đinh Ngọc Hệ (Út trọc); Vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương…thì phải làm đến cùng, không loại trừ một ai. Ai dính líu đến những vụ việc đó, bất kể là ai đi nữa, cũng phải yêu cầu giải trình, làm rõ trách nhiệm, chứ không thể để “trách nhiệm chung chung, không ai chịu trách nhiệm”. Phải làm sao để mọi người sợ, không ai dám bao che cho tham nhũng, tiêu cực. Có như thế thì tham nhũng mới không có “đất sống” và tạo ra sự răn đe trong xử lý vi phạm.
Xin cảm ơn ông!
Bây giờ những vụ việc lớn mà hôm qua đã được hội nghị phòng chống tham nhũng nhắc đến như vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm); vụ án Đinh Ngọc Hệ (Út trọc); Vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương… thì phải làm đến cùng, không loại trừ một ai. Ai dính líu đến những vụ việc đó, bất kể là ai đi nữa, cũng phải yêu cầu giải trình, làm rõ trách nhiệm, chứ không thể để “trách nhiệm chung chung, không ai chịu trách nhiệm”. Ông Vũ Quốc Hùng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư