Cha mẹ thiếu kiến thức, nguyên nhân chính khiến trẻ thiếu dinh dưỡng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Khi cơ thể được cung cấp thiếu hoặc thừa hoặc mất cân đối các yếu tố cần thiết cho sự phát triển, trẻ sẽ rơi vào tình trạng thiếu dinh dưỡng. Đây là nguyên nhân gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh, tử vong ở trẻ em.

Theo Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019 – 2020 trên cả nước, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi là 19,6%, tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, miền núi. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em tuổi học đường (5 - 19 tuổi) là 14,8%. Đáng lưu ý, tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng từ 8,5% năm 2010 lên tới 19% vào năm 2020, tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị.

Trước tình hình trên, ngày 13 và 14/10 tại TPHCM Câu lạc bộ Điều dưỡng trưởng Việt Nam phối hợp với Công ty Vinamilk tổ chức chương trình tập huấn về truyền thông Sức khỏe dinh dưỡng cho người bệnh.

Đề cập đến vấn đề dinh dưỡng ở trẻ em TS Lưu Thị Mỹ Thục, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Trung ương nhấn mạnh: “Suy dinh dưỡng có thể xuất phát từ tình trạng trẻ chán ăn hoặc bệnh lý nhiễm trùng, bệnh lý cấp hoặc mạn tính. Tuy nhiên, vấn đề trọng tâm vẫn là sự thiếu kiến thức trong nuôi dưỡng con trẻ của các bậc phụ huynh dẫn tới chế độ ăn mất cân đối, thiếu hụt những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ”.

Cha mẹ thiếu kiến thức, nguyên nhân chính khiến trẻ thiếu dinh dưỡng ảnh 1

TS Mỹ Thục chia sẻ thông tin về tình trạng dinh dưỡng ở trẻ tại chương trình tập huấn

Trên thực tế thăm khám tại các bệnh viện, bác sĩ ghi nhận nhiều trường hợp trẻ có cơ thể rất bụ bẫm nhưng lại bị còi xương, hoặc suy dinh dưỡng. Trẻ béo phì bị thiếu canxi, thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng, tuy nhiên phụ huynh lại chủ quan cho rằng con mình phát triển bình thường.

“Trước đây, suy dinh dưỡng thường được hiểu là nhóm trẻ có cơ thể gầy còm, trọng lượng dưới ngưỡng trung bình theo độ tuổi. Trẻ béo phì được cho là khỏe mạnh. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng béo phì được xem là một loại bệnh cần phải chữa bằng dinh dưỡng. Do đó, béo phì và thiếu hụt dinh dưỡng đều được xếp vào nhóm suy dinh dưỡng” – TS Mỹ Thục nói.

Phân tích chuyên môn của TS Mỹ Thục chỉ ra, trẻ bị thiếu dinh dưỡng sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển cả thể chất và trí tuệ. Trường hợp thiếu i-ốt sẽ ảnh hưởng đến phát triển trí tuệ, bướu cổ; thiếu canxi. Thiếu sắt sẽ ảnh hưởng đến chiều cao, làn da nhợt nhạt. Nếu thiếu đạm, kali, magie, kẽm… sẽ khiến trẻ chậm tăng trưởng, sụt cân.

“Suy dinh dưỡng làm giảm đáp ứng miễn dịch của cơ thể, giảm sức mạnh cơ bắp. Với nhóm trẻ bị suy dinh dưỡng khi có bệnh lý phải nhập viện điều trị thì nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện cao gấp 7 lần, nguy cơ tử vong cao gấp 5- 20 lần trẻ bình thường” – TS Mỹ Thục nói.

Từ thực tế trên bà Thục khuyến cáo các bậc phụ huynh cần phải tự trang bị những kiến thức về dinh dưỡng để chăm sóc tốt nhất cho trẻ ngay từ khi còn là bào thai cho đến lúc chào đời và quá trình trưởng thành để tránh thiếu hụt các dưỡng chất cần thiết có thể dẫn đến suy dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, với nhóm trẻ bị suy dinh dưỡng cần hỗ trợ chuyên môn, phụ huynh phải tuân thủ chỉ định can thiệp, điều trị của bác sĩ, nhân viên y tế. Phụ huynh không nên xem thuốc là giải pháp quan trọng trong điều trị mà phải hiểu dinh dưỡng là phương pháp giúp trẻ có sức khỏe tốt nhất cả về thể lực lẫn trí lực.

MỚI - NÓNG