> Hội phụ huynh không phải công cụ của trường
> Nhiều trường học sợ sập
Mọi người nhất mực ân cần, xa gần đều lo cho con trẻ, không hờ hững như cuộc họp cuối năm của cuối cấp. Một vị chức quan to đứng lên phát biểu, giọng ông vang nhưng từ tốn, ông nói học sinh cả lớp đều khá giỏi mà trường chỉ thưởng cho mấy học sinh đứng đầu nên hội cha mẹ học sinh cần góp tiền mua sách vở làm giải thưởng, tặng cho cả lớp để động viên. Mọi người vỗ tay hưởng ứng.
Ông nói tiếp, đề nghị cô giáo tổ chức học hè, tập trung mấy môn toán, lý, Anh văn để học sinh không quên kiến thức cơ bản, năm sau thi tốt nghiệp và thi tuyển vào đại học sẽ đậu cao. Đến đây, có tiếng xì xào…
Tôi đứng lên xin phép nói, nếu học hè đề nghị học thêm các môn như Đạo đức công dân, Phòng chống tham nhũng, Người Việt dùng hàng Việt để lớn lên con em chúng ta biết xây dựng xã hội tốt đẹp, lại học các môn võ để rèn luyện sức khỏe và các môn cờ để rèn trí thông minh.
Cuộc họp chợt im phăng phắc, nghe được con thằn lằn chắt lưỡi trên tường. Vị quan to nhìn tôi lạnh tanh, tôi ngơ ngác rồi tẽn tò ngồi xuống. Nhờ trời, vị quan to đã đứng lên như không nghe lời tôi mới nói, mà nhẹ nhàng đề nghị hội cha mẹ học sinh góp thêm tiền để mua quà tặng cô giáo chủ nhiệm sau một năm vất vả “vì con em chúng ta”.
Cô giáo chủ nhiệm tế nhị rời lớp, ra hành lang đứng. Vị quan to hào phóng móc túi lấy ra số tiền lớn đưa cho Hội trưởng cha mẹ học sinh, trong tiếng vỗ tay lộp độp.
Sau họp, tôi chạy theo ông quan to, hỏi nhỏ, tại sao tôi nhắc lại gần như nguyên xi những lời ông chỉ đạo ngành giáo dục trong một cuộc họp mới rồi, mà ông không ủng hộ? Ông khẽ cười, mắt nheo lại nhìn xa xa, họp chỉ đạo chung ngành giáo dục phải thế, còn đây là cuộc họp cha mẹ học sinh để lo cụ thể cho con cái, cha nội ơi!
Ông bước đi oai vệ, tôi nhìn theo, tự hỏi, người có quyền đang đi gọi là quyền gì nhỉ? Hỏi thế bởi nhớ đến cuộc triển lãm “Ngai vàng của những ông hoàng” ở cung điện Versailles bên nước Pháp từ tháng ba đến tháng sáu năm 2011 này, truyền thông cho biết trong lời giới thiệu có câu “Quyền lực thì đứng, quyền uy thì ngồi”.
Ngai vàng khắp thế giới đem về, biểu hiện của quyền uy, quyền lực chính danh có giá trị tinh thần nên ổn định, bền vững. Khác những người chỉ có sức mạnh, như vị tướng thắng trận chẳng hạn, đứng cho quân hùng tung hô, đó là quyền lực, mong manh. Nên hồi xưa, vua đi đâu đều cho khiêng ngai vàng đi theo. Còn vị quan to trong hội cha mẹ học sinh lớp con tôi, có quyền uy hay quyền lực, hay thứ quyền nào khác nữa?
Lo cho con cái học hành, không thể không lo việc thi cử. Cho nên, cha mẹ học sinh trong hội lớp con tôi lại bàn nhiều về đề thi môn văn tuyển sinh đại học và cao đẳng năm nay: “Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn”. Lâu rồi, mới có cái đề tự luận gắn với cuộc sống như thế.
Con người có thể lắm lúc không cần tự hào nhưng lúc nào cũng nên biết xấu hổ. Tuy nhiên, xấu hổ với tự hào có khi lại là hai nửa của cuộc sống? Con người có bổn phận và danh dự, có sức mạnh và sự tự do, biết lắng nghe lời người hơn mình dù là thần thánh hay phàm trần, biết thấu hiểu người khác và để người khác thấu hiểu.
Đó là con người của những giá trị cổ truyền mà cũng luôn hiện đại, biết giao tế hài hòa và hợp tác với xung quanh. Nếu con người không biết chấp nhận người khác mình, dù đang có uy quyền hay quyền lực, hay thứ quyền nào nữa như vị quan to cùng hội cha mẹ học sinh với tôi, thì chắc cũng chỉ là nô lệ của quyền lực mà thôi.