Cha đẻ ‘ATM gạo’ xin lỗi vì nhân viên phân biệt người đến nhận gạo

Cha đẻ “ATM gạo” lên tiếng quanh chuyện phân biệt người đến nhận gạo
Cha đẻ “ATM gạo” lên tiếng quanh chuyện phân biệt người đến nhận gạo
TPO - “Ngay từ khi triển khai chương trình “ATM gạo”, quan điểm của chúng tôi là không phân biệt người giàu hay nghèo đến nhận gạo mà mong muốn làm sao càng nhiều người nhận được gạo càng tốt bởi dịch bệnh đã ảnh hưởng đến tất cả mọi người dân…”

Đó là chia sẻ của anh Hoàng Tuấn Anh, cha đẻ máy “ATM gạo” với Tiền Phong vào chiều 22/4 xung quanh câu chuyện một bạn trẻ bị từ chối nhận gạo ở một “ATM gạo” tại quận Tân Phú đang gây xôn xao trên mạng xã hội mấy ngày qua.

Những ngày vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều clip ghi lại cảnh một thiếu niên khi đang chuẩn bị đến lượt nhận gạo thì bị một người phụ nữ đọc trên loa yêu cầu mời ra khỏi "ATM gạo". Thiếu niên này sau một hồi ngơ ngác đã trả lại túi ni long và ra về. Sự việc sau đó gây xôn xao dư luận, nhiều bàn tán về chương trình... Ngay sau đó, nhiều người đã đến nhà của thiếu niên này để tặng gạo và nhu yếu phẩm cho em...
Cha đẻ ‘ATM gạo’ xin lỗi vì nhân viên phân biệt người đến nhận gạo ảnh 1 Thiếu niên áo đen đến lượt nhận gạo thì bị từ chối và mời ra ngoài (ảnh chụp màn hình clip)

Liên quan đến sự việc này, anh Tuấn Anh cho biết, qua trích xuất các camera, chúng tôi theo dõi toàn bộ quá trình nhận gạo của em “thiếu niên bị từ chối” và lấy làm tiếc khi có tình huống xảy ra.

Theo anh Tuấn Anh, với các trường hợp thanh niên, thiếu niên đến nhận gạo, bên cạnh việc xếp hàng tự động, chúng tôi có lực lượng thăm hỏi, chia sẻ và trao đổi thêm thông tin. Nếu các bạn  đồng ý, chúng tôi sẵn sàng nhận vào làm việc tại các điểm cấp phát và có thể gắn bó lâu dài với chúng tôi sau khi dịch bệnh lắng xuống. Hiện tại, chúng tôi có 10 nhân sự được tuyển dụng từ nguồn này, lương bình quân 6-7triệu/tháng (bao gồm ăn uống 2 bữa/ngày).

“Khi sự việc xảy ra, nhân viên chúng tôi chưa kịp có trao đổi với em thiếu niên này, thì em đã ra xe đi về. Các bạn youtuber ghi hình, bình luận và phát tán trên mạng xã hội. Đây là tình huống ngoài dự kiến, khiến tập thể chúng tôi cảm thấy buồn và rất lấy làm tiếc…”, anh Tuấn Anh giải thích.

Theo anh Tuấn Anh, nguyên nhân dẫn đến sự cố trên là do các bạn làm việc ở các ATM gạo bị áp lực công việc quá lớn, trung bình, mỗi ngày có từ 4.000- 6.000 người đến nhận gạo. “Ngay từ khi triển khai chương trình “ATM gạo”, quan điểm của chúng tôi là không phân biệt người giàu hay nghèo đến nhận gạo mà mong muốn làm sao càng nhiều người nhận được gạo càng tốt bởi dịch bệnh đã ảnh hưởng đến tất cả mọi người dân”, anh Tuấn Anh nói và cho biết vụ việc xảy ra đã bị các youtuber cắt ghép rất nhiều dẫn đến câu chuyện hoàn toàn khác.

Câu chuyện thiếu niên bị từ chối nhận gạo ngay sau đó gây “sốt” công đồng mạng khi nhiều clip chia sẻ, nhiều bình luận mang tính phân biệt, kỳ thị… Cha đẻ “ATM gạo” khẳng định: “Tập thể chúng tôi không có các phát ngôn về việc phân biệt những người đến nhận gạo, các nội dung chia sẻ mang tính phân biệt, kỳ thị… là hoàn toàn giả mạo. Nhiều nhân viên  của chúng tôi đã và đang bị cộng đồng mạng tấn công, công khai thông tin đời tư, nhắn tin đe dọa… Với các trường hợp này, chúng tôi đã báo Công an TPHCM để vào cuộc và làm rõ”.

Cha đẻ ‘ATM gạo’ xin lỗi vì nhân viên phân biệt người đến nhận gạo ảnh 2

"ATM gạo" đang lan rộng ở nhiều tỉnh thành

Xin lỗi và mong cộng đồng thông cảm!

Cũng theo anh Tuấn Anh, ngay sau khi sự việc xảy ra, chương trình đã nhiều lần gọi điện cho bạn thiếu niên bị từ chối nhận gạo xong không liên lạc được. “Tôi thay mặt chương trình xin lỗi và mong bạn cũng như cộng đồng thông cảm về sự cố này. Sau khi chương trình hoàn tất, chúng tôi sẽ tìm gặp và trực tiếp xin lỗi bạn, nếu bạn có nhu cầu, chúng tôi cũng sẵn sàng tiếp nhận vào công ty làm việc ở bộ phận phù hợp”, anh Tuấn Anh chia sẻ.

Để tránh những trường hợp tương tự, bên cạnh việc tăng cường kết hợp cùng lượng lượng chuyên trách từ UBND, dân quân tự vệ ở phường… anh Tuấn Anh cho biết đã nhắc nhở các nhân viên nâng cao tình thần làm việc thiện nguyện, vì cộng đồng; tặng cường nhân viên, tình nguyện viên; thời gian nhận gạo sẽ không phát liên tục 24/24 mà chia thành 2 ca từ 6- 12h và 13- 18h hàng ngày để giảm căng thẳng, áp lực công việc…

Anh Tuấn Anh cho biết, hiện tại bản thân anh và nhân viên công ty đang rất áp lực khi vừa quản lý các “ATM gạo”, vừa sản xuất máy để chuyển giao cho các địa phương. Từ một “ATM gạo” ban đầu với chưa đầy 10 tấn gạo, đến nay chương trình đã huy động được hơn 1.000 tấn gạo. “Ở mỗi “ATM gạo” khi triển khai về địa phương, chương trình tặng thêm từ 10- 30 tấng gạo để hoạt động ban đầu. Mục tiêu của chúng tôi là phát triển 100 máy ATM gạo trên khắp đất nước để giúp người dân vượt qua đại dịch”, anh Tuấn Anh nói.
 
MỚI - NÓNG