Trao đổi với phóng viên vào sáng 17/11 liên quan đến thông tin "F1 cách ly tại chung cư phải được sự đồng ý của hàng xóm", đại diện lãnh đạo CDC Hà Nội cho biết, với người ở các khu chung cư, các căn hộ nằm liền kề nhau. Nếu trường hợp F1 ở đây và muốn được cách ly tại nhà cần phải có sự đồng thuận, đồng thời, tạo sự giám sát lẫn nhau của các hộ hàng xóm cùng tầng.
"Nếu một trường hợp là F1 được cách ly tại nhà mà hàng xóm cùng tầng lại không biết, không được thông báo thì sẽ như thế nào? Do đó, ở đây, cần có sự đồng thuận và đồng thời, có sự giám sát của hàng xóm cùng tầng là đúng.
Thêm vào đó, hiện nay, nhiều xã, phường khi cho F1 cách ly tại nhà ngoài dựng rào chắn, đặt biển còn phải cử người đến túc trực, giám sát 24/24h trước cửa nhà. Việc này gây ra nhiều bất tiện, chưa kể lực lượng mỏng, khi số lượng F1 cách ly tại nhà nhiều sẽ rất khó khăn.
Vì vậy, việc giám sát của hàng xóm cùng tầng sẽ phần nào giúp giảm tải cho giám sát của lực lượng phường, xã", đại diện CDC Hà Nội nêu.
Nêu vấn đề thí điểm cách ly F1 tại nhà ở Hà Nội, vị này cho biết, đối với một số tỉnh, thành, việc cách ly F1 tại nhà đã được thực hiện khá lâu, "không mới" nhưng với Hà Nội, từ trước chưa làm nên hiện nay, khi bắt đầu thực hiện mới dùng từ "thí điểm".
Việc cách ly F1 tại nhà này mới là thí điểm tạm thời, nếu không ổn có thể dừng, vì thế, ngay trong Công điện 23 của Chủ tịch UBND thành phố cũng đã nêu rõ, việc này có thời gian cho đến khi nào có thông báo mới của thành phố.
Theo CDC Hà Nội, hiện nay, nguy cơ lây lan dịch rất lớn nhất là trong điều kiện "đất chật, người đông" nên việc thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà đã phải cân nhắc rất kỹ càng nhiều vấn đề liên quan.
Đại diện CDC Hà Nội cho biết thêm, một số quận, huyện trên địa bàn thành phố đã bắt đầu cách ly tại nhà đối với các F1 thuộc 4 nhóm: Người già, người có bệnh nền, trẻ em, phụ nữ mang thai nếu đảm bảo đủ các điều kiện về cơ sở vật chất.
Để được cách ly tại nhà, gia đình F1 phải đảm bảo điều kiện phòng riêng, nhà vệ sinh riêng; có người chăm sóc, thu gom, xử lý rác thải. Các F1 cách ly tại nhà sẽ được xét nghiệm COVID-19 định kỳ.
24 giờ, thế giới ghi nhận gần 446.000 ca mắc mới COVID-19
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến sáng ngày 17/11 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 255.016.333 ca COVID-19, trong đó có 5.128.446 ca tử vong. Số ca mắc mới trong 24 giờ qua là 445.956 và 6.366 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 230.529.445 người, 19.358.442 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 77.959 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới về ca mắc mới COVID-19 với 61.231 ca; Đức đứng thứ hai với 39.985 ca; tiếp theo là Anh (37.243 ca). Nước Nga tiếp tục đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.240 người chết trong ngày; tiếp theo là Mỹ (867 ca) và Ukraine (838 ca tử vong).
Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca COVID-19 tại Mỹ đến nay là 48.134.129 người, trong đó có 785.813 trường hợp tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, với 34.456.401 ca, 463.852 ca tử vong. Brazil xếp thứ ba với 21.965.684 ca và 611.478 ca tử vong.
Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 80,86 triệu ca mắc, tiếp đến là châu Âu với trên 68,75 triệu ca. Bắc Mỹ ghi nhận trên 57,7 triệu ca, Nam Mỹ là 38,71 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 8,64 triệu ca và châu Đại Dương trên 338.000 ca.