Giám sát chặt chẽ
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, tình hình dịch bệnh trên cả nước và Hà Nội tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc đang gia tăng mạnh. Lãnh đạo CDC Hà Nội cũng nhận định, dịch bệnh không chỉ xâm nhập từ bên ngoài mà mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng thời gian qua vì còn có những ca bệnh lẩn khuất chưa được phát hiện; thêm vào đó, sự đi lại của người dân được nới lỏng, sự chủ quan của một bộ phận người dân khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Một số chùm ca bệnh, ổ dịch như tại thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai), xã Tiến Thắng (huyện Mê Linh), chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm)... dự báo còn phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cao. Các chùm ca bệnh này có liên quan đến đám hiếu, đám cưới, giao lưu buôn bán và liên quan các cơ quan, công sở của nhà nước nên lượng người có tiếp xúc với F0 nhiều. Tính từ ngày 11/10 đến nay, bình quân mỗi ngày Hà Nội phát sinh hơn 60 ca F0, cao hơn nhiều so với giai đoạn trước. Đặc biệt những ngày gần đây, số ca F0 tăng lên mức 3 con số; mới nhất từ 18h ngày 14/11 đến 18h ngày 15/11, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận thêm 289 ca dương tính với SARS-CoV-2. Tỉ lệ F1 chuyển thành F0 và tỉ lệ người đã tiêm 2 mũi vắc xin mắc SARS-CoV-2 có xu hướng tăng nhanh.
Hà Nội dự kiến thành lập 508 trạm y tế lưu động, trong đó có 20 trạm y tế xã lưu động được đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Căn cứ tình hình thực tế diễn biến dịch trên địa bàn, UBND các quận, huyện, thị xã sẽ chỉ đạo bộ phận liên quan chuẩn bị các điều kiện về địa điểm, nhân lực, trang thiết bị, thuốc để sẵn sàng thiết lập thêm trạm y tế lưu động.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết: “Chúng ta tiến hành nới lỏng nhiều hoạt động, dần chấp nhận có những ca dương tính và nằm trong dự báo từ trước. Tôi nghĩ rằng vẫn phải thực hiện tốt Nghị quyết 128 của Thủ tướng Chính phủ, để khống chế số mắc không được quá cao. Bởi nếu số ca mắc quá cao sẽ gây quá tải hệ thống y tế”.
Theo ông Phu, nhiều người tiêm đủ 2 mũi vắc xin nhưng vẫn mắc COVID-19 thời gian qua cho thấy, vắc xin chỉ giúp hạn chế các biến chứng nhưng vẫn có khả năng làm lây nhiễm vi rút. Chính vì vậy, mỗi người dân cần tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc 5K. Về nguyên tắc, khi còn ca mắc trong cộng đồng, vẫn phải giám sát chặt chẽ dịch, nếu không kiểm soát được dịch sẽ có nguy cơ bùng phát.
Đánh giá về tình hình dịch tại Hà Nội hiện nay, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, dù Hà Nội có nhiều ổ dịch cộng đồng, song số mắc nặng không nhiều do phần lớn đã được tiêm vắc xin. Lo nhất hiện nay là quá tải hệ thống y tế, bởi quá tải dễ dẫn đến bệnh nhân tử vong. “Thủ đô vẫn phải tiếp tục phát hiện sớm, truy vết, phong tỏa, dập dịch. Phát hiện càng sớm càng tốt để truy vết, dập dịch khi ổ dịch còn nhỏ, nếu để thành ổ dịch lớn, lúc đó khó kiểm soát”, ông Phu nói.
Sẽ không điều trị tập trung F0 không triệu chứng
Ông Khổng Minh Tuấn cho biết, Hà Nội sẽ không giãn cách, phong tỏa diện rộng như trước đây, mà xử lí các ổ dịch theo nguyên tắc, nguy cơ đến đâu, khoanh đến đấy. Tương ứng với từng khu vực, thành phố sẽ có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với tình hình dịch. Cụ thể, F1 ở quận, huyện, thị xã nào thì cách li tập trung trên địa bàn của quận, huyện, thị xã đó. Thành phố cũng đang thiết lập các trạm y tế lưu động để sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ, nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp trên quy mô lớn. Thời gian tới, các trạm y tế này sẽ là “cánh tay nối dài” của các bệnh viện để hỗ trợ cho việc điều trị F0 không triệu chứng.
Ngày 16/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 9.650 ca nhiễm mới với 9 ca nhập cảnh và 9.641 trường hợp trong nước, tăng 1.038 ca so với ngày trước đó. Trong đó, TPHCM ghi nhận thêm 1.183 ca, Tây Ninh (683), Tiền Giang (671), Ðồng Nai (631), Bình Dương (607), An Giang (482), Bình Thuận (439), Ðồng Tháp (392), Sóc Trăng (343), Cà Mau (340), Bạc Liêu (328), Kiên Giang (324), Bà Rịa - Vũng Tàu (300), Vĩnh Long (291), Bình Phước (199), Trà Vinh (194), Bến Tre (185), Cần Thơ (158), Hà Nội (158), Khánh Hòa (150), Nghệ An (145)…
“Tới đây, thành phố sẽ không đưa F0 không triệu chứng vào bệnh viện điều trị tập trung mà sẽ thành lập trạm y tế lưu động. Việc lập trạm y tế lưu động tại các địa phương cũng tương tự điều trị tại nhà bởi các trạm y tế lưu động này không cố định, không điều trị tập trung. Các quận, huyện, xã, phường đều phải có địa điểm để điều trị cho F0 không triệu chứng”, ông Tuấn cho biết.
Tại cuộc làm việc giữa UBND TP Hà Nội với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thành phố đã có phương án điều trị tại các bệnh viện, cơ sở thu dung, điều trị F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ để đáp ứng khoảng 22.100 người. Tổng số giường điều trị COVID-19 đang được kích hoạt là 2.640 giường tại 8 bệnh viện, 2 cơ sở điều trị. Ngoài ra, hệ thống ô xy tập trung tại 25 bệnh viện với 3.200 đầu ra đã được hoàn thành. 30/30 quận, huyện, thị xã đã chuẩn bị phương án triển khai trạm y tế lưu động, tổ y tế lưu động, địa điểm thu dung tại chỗ; chuẩn bị ô xy y tế, thuốc, thiết bị cấp cứu cơ bản.