Cầu Mống có tuổi đời 125 năm bắc qua kênh Tàu Hủ - Bến Nghé thời gian gần đây xuất hiện nhiều vết nứt tại chân cầu. Có vết hở toác, rộng gần 20 cm khiến nhiều người lo ngại.
Cầu Mống bắc qua rạch Bến Nghé, nối đường Bến Chương Dương (quận 1) với đường Bến Vân Đồn (quận 4) thời gian gần đây, phần tường cầu thang bộ và ở các bậc cầu thang phía quận 4 xuất hiện nhiều vết nứt khá lớn.
Nghiêm trọng nhất là phần tường bên phải lối lên xuống cầu. Vết nứt kéo dài khoảng 5 m từ mặt tường bên đường chạy theo bậc thang cầu.
Phần bậc thang và bờ tường bên phải bị nứt toác.
Bờ tường với các khối đá dường như chực chờ rơi xuống từng mảng lớn.
Có chỗ vết nứt rộng gần 20 cm. Một tài xế xe ôm tại đây cho biết trước kia cầu đã đã xuất hiện vết nứt nhưng rất nhỏ, thời gian gần đây những vết nứt lớn xuất hiện càng nhiều hơn.
Mặt tường bên đường Bến Vân Đồn có vết nứt rộng 3 - 5 cm kéo dài từ chân lên đến thành cầu.
Lo ngại phần tường này có thể bị sập bất cứ lúc nào, chiều 12/9 cơ quan chức năng đã dùng dây ngăn người dân và du khách qua lại khu vực này.
Vết nứt cũng xuất hiện trên các mố trụ cầu rộng khoảng 3 cm.
Phần thành và tường bên trái cầu cũng đang bị tách ra những đoạn nhỏ.
Bậc cầu thang lên xuống cầu cũng xuất hiện vết nứt dài hơn 1 m, rộng 2-3 cm. Theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 Sở GTVT TP.HCM, đơn vị này đã nắm thông tin sự việc và cử người đi kiểm tra, ghi nhận hiện trạng để xử lý.
Lan can cũng xuất hiện nhiều vết nứt, lớp sơn bị bong tróc.
Bên cạnh cầu là công trình xây dựng cống ngăn triều Bến Nghé do Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (chủ đầu tư dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM) đang thi công.
Cầu Mống là cầu đi bộ với lối kiến trúc cổ thời Pháp còn sót lại duy nhất ở TPHCM.
Cầu được xây dựng từ năm 1893 do Công ty vận chuyển hàng hải Messageries Maritimes của Pháp bỏ vốn xây dựng.
Cầu có chiều dài 128 m, rộng 5,2 m, lề đi bộ rộng 0,5 m. Cầu được tu sửa năm 2011, và được lắp đặt đèn chiếu sáng mỹ thuật để làm đẹp với kính phí 1,4 tỷ đồng vào năm 2012.
Đây hiện là điểm đến vui chơi, chụp ảnh của du khách trong và ngoài nước. Nhiều người vẫn thắc mắc nên gọi cầu Mống hay Móng vì bảng đề tên trên cầu có lúc đề cầu Mống, có lúc lại để cầu Móng.
Hiện trên lan can cầu có hàng chục ổ khóa mang bút tích của nhiều cặp đôi nên giới trẻ Sài Gòn thường gọi cầu Mống là "cầu tình yêu".
Theo Theo Zing