Cầu Nhật Tân đội vốn 400 tỷ: Lỗi chính quyền, ngân sách bị 'móc túi'

Sau hơn 3 năm thông xe, cầu Nhật Tân lại phải thêm hơn 440 tỷ do chậm mặt bằng. Ảnh: Anh Trọng.
Sau hơn 3 năm thông xe, cầu Nhật Tân lại phải thêm hơn 440 tỷ do chậm mặt bằng. Ảnh: Anh Trọng.
TP - Dự án cầu Nhật Tân (Hà Nội) và đường dẫn lên cầu đã thông xe hơn 3 năm nay, tuy nhiên dư luận bỗng dưng bất ngờ với khoản kinh phí Hà Nội phải trả thêm hơn 400 tỷ đồng. Ðáng nói hơn, đây là dự án sử dụng vốn ODA nên ngân sách Thủ đô phải bố trí vốn hàng năm để trả nợ dần trong 30 năm.

Lý giải cho khoản kinh phí phát sinh trên, thay mặt UBND thành phố Hà Nội giải trình tại kỳ họp HÐND thành phố diễn ra cuối tuần qua, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở KH&ÐT cho biết, dự án cầu Nhật Tân, bắc qua sông Hồng đi sân bay Nội Bài được Bộ GTVT phê duyệt triển khai năm 2006 và hoàn thành đầu năm 2015 với tổng kinh phí trên 13.600 tỷ đồng.

Dự án được sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và 1 phần vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên trong quá trình thanh, quyết toán, dự án phát sinh thêm hơn 445 tỷ đồng do công tác bàn giao mặt bằng tại gói thầu số 1 - Xây cầu chính và cầu dẫn phía Bắc và gói thầu số 3 - Xây đường dẫn phía Bắc bị chậm.

Cụ thể, theo tiến độ, tháng 3/2010 gói thầu số 1 phải được giao mặt bằng cho liên danh nhà thầu Cty Kết cấu hạ tầng IHI và Cty Xây dựng Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) thi công, tuy nhiên đến tháng 5/2012 thành phố Hà Nội mới giải phóng xong, chậm 26 tháng; việc chậm trễ này dẫn đến, phát sinh thêm chi phí khoảng 288 tỷ đồng.

Với gói thầu số 3, theo tiến độ mặt bằng phải được bàn giao cho nhà thầu Tokyu Construction Co., Ltd (Nhật Bản) trước tháng 6/2009, tuy nhiên đến tháng 3/2012 việc này mới xong, chậm thêm 27 tháng; việc này làm gói thầu phát sinh thêm 157 tỷ đồng. Tổng cộng cả hai gói thầu phát sinh thêm 445 tỷ đồng.

Ðại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, lãnh đạo thành phố đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc này, đồng thời cũng cùng với các Bộ ngành liên quan làm rõ nguyên nhân và thấy rằng đây là những nguyên nhân khách quan.

Hà Nội phải dùng ngân sách để trả

Lý giải cho các nguyên nhân mặt bằng bị chậm, đại diện Ban Quản lý (QBL) dự án hạ tầng Tả ngạn (nay sáp nhập với BQL dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông) - đơn vị thay mặt UBND thành phố Hà Nội thực hiện GPMB tại dự án cầu Nhật Tân cho rằng, do khối lượng GPMB lớn, phức tạp, tổng diện tích đất thu hồi lớn; quá trình thi công dự án có sự thay đổi về thiết kế, hướng tuyến ở phía bờ Bắc; cùng với đó, các chính sách đền bù, GPMB đối với người dân trong thời gian thực hiện dự án cầu Nhật Tân liên tục thay đổi...

Về việc thực hiện trả nợ và lãi khoản trên, đại diện lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hướng giải quyết bằng việc sử dụng nguồn vốn vay theo hiệp định đã thống nhất với Tổ chức JICA (Nhật Bản). Theo hướng này, thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm vay lại 50% khoản vốn trên (tương đương hơn 230 tỷ đồng, tính cả lãi vay) để trả trong vòng hơn 30 năm. Cụ thể, UBND thành phố bắt đầu thực hiện trả gốc từ năm 2023, tuy nhiên phần lãi vay cho khoản trên phải trả từ năm 2018. Với lãi suất 0,2% của tổng số trên, năm 2018 thành phố Hà Nội sẽ trả lãi hơn 1,3 tỷ đồng, từ năm 2023, mỗi năm Hà Nội phải trả hơn 12 tỷ đồng (kéo dài 30 năm). Nguồn trả các khoản kinh phí này được bố trí từ ngân sách thành phố hàng năm.

Ông Bùi Trung Dung, nguyên Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cho rằng, việc trên ông đã biết thông tin từ nhiều năm và đến nay Hà Nội mới tìm được phương án tháo gỡ. Tuy nhiên, ông Dung không đồng tình với việc Hà Nội đổ hết lỗi dự án phát sinh vốn do nguyên nhân khách quan. Dẫn chứng cho việc này, ông Dung thông tin: khi ông còn công tác, lãnh đạo Chính phủ đã ký văn vản yêu cầu lãnh đạo thành phố Hà Nội phải kỷ luật những cá nhân, tổ chức trực tiếp phụ trách công tác GPMB tại cầu Nhật Tân, dẫn đến dự án bị chậm tiến độ và phát sinh chi phí. “Tuy nhiên, đến nay, UBND Hà Nội mới trình phương án để huy động nguồn vốn trả nợ, còn chưa đưa ra thông tin về việc xử lý kỷ luật tổ chức, cá nhân có liên quan theo chỉ đạo của Chính phủ là chưa công bằng, hợp lý”, ông Dung đánh giá.

Với lãi suất 0,2% của tổng số trên, năm 2018 thành phố Hà Nội sẽ trả lãi hơn 1,3 tỷ đồng, từ năm 2023, mỗi năm Hà Nội phải trả hơn 12 tỷ đồng (kéo dài 30 năm).
MỚI - NÓNG