Katharina Detzel sinh năm 1872 tại Luxembourg (châu Âu) bị đưa vào trại tâm thần vào năm 1907 sau khi phá thai và hủy hoại một tuyến đường sắt như một hành động biểu tình chính trị.
Trong suốt quá trình bị nhốt trong bệnh viện tâm thần, Detzel luôn tìm cách để tẩu thoát. Với khao khát tự do, cô đã vận dụng tối đa sự khéo tay bằng cách làm ra các đường rãnh và chìa khóa bằng gỗ. Cô cũng tạo ra những bức tượng nhỏ từ bột bánh mì.
Chưa dừng lại ở đó, nữ bệnh nhân tâm thần này còn làm ra búp bê hình người có cánh và búp bê nam có kích thước bằng người thật bằng rơm lấy từ giường ngủ trong phòng giam ở trại tâm thần. Con búp bê đeo kính, để râu và có bộ phận sinh dục. Nó gợi nhớ đến hình mẫu một nhà khoa học hoặc bác sĩ thời đó.
Detzel tạo ra con búp bê với mong muốn được chuyển từ phòng giam sang khu ký túc xá cho người bệnh để dễ đào tẩu hơn. Cô nói với các bác sĩ, nếu tiếp tục bị cách ly với mọi người, cô sẽ sớm vô hồn như con búp bê bằng rơm. Đáng tiếc, các bác sĩ không đáp ứng lời thỉnh cầu, thậm chí còn loại bỏ gần như toàn bộ vật dụng trong phòng giam từ nệm, vải bạt, quần áo…
Detzel tiếp tục phản đối mạnh mẽ việc nhân viên trại tâm thần đàn áp bệnh nhân và áp dụng các biện pháp trừng phạt. Trong cuộc đấu tranh chống bất công xã hội, cô muốn thành lập một mái ấm cho trẻ sơ sinh, biên soạn một cuốn sách nhỏ về chống mại dâm và viết vở kịch có tựa đề The Extramarital Child or the Child Bed of Righteousness (tạm dịch: Đứa trẻ ngoài giá thú hay chiếc giường nhỏ của sự công bằng).
Sau 19 năm, cuối cùng Detzel cũng trốn thoát thành công. Cô chuyển ra ngoài sống cùng con gái. Năm 1939, Detzel bị bắt lần nữa vì trộm cắp và giả mạo giấy tờ. Cô bị đưa đến Andernach, Đức, trước khi chuyển sang một viện tâm thần khác ở Süchteln (Đức). Tin tức về cô bị đứt đoạn từ đó.
Bức ảnh chụp Detzel và búp bê nam có kích thước như người thật là một phần của Bộ sưu tập Prinzhorn, được trưng bày ở Phòng khám Tâm thần thuộc Đại học Heidelberg của Đức. Bộ sưu tập bao gồm khoảng 6.000 tác phẩm, đều được tạo ra bởi các tù nhân trong các bệnh viện tâm thần từ 1840 – 1940, bao gồm màu nước, bản vẽ, tranh, tác phẩm điêu khắc, sản phẩm dệt may và các ghi chép. Phần lớn bộ sưu tập do nhà sử học nghệ thuật kiêm bác sĩ tâm thần Hans Prinzhorn (1886–1933) thu thập khi ông làm trợ lý bác sĩ tạ Bệnh viện Tâm thần của Đại học Heidelberg.