Câu chuyện của tự do & hạnh phúc

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng hoa người thầy của mình Giáo sư Lê Quang Vịnh
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng hoa người thầy của mình Giáo sư Lê Quang Vịnh
TP - Câu chuyện được kể từ buổi sáng 22-8-2010, trong buổi họp mặt truyền thống của Hội Cựu cán bộ Đoàn.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng hoa người thầy của mình Giáo sư Lê Quang Vịnh
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng hoa người thầy của mình Giáo sư Lê Quang Vịnh .

Câu chuyện thế hệ

Không khí khán phòng G5 (nhà khách Chính phủ, nay đang được Văn phòng Quốc hội mượn làm nơi làm việc, hội họp, trong lúc chờ xây xong Nhà Quốc hội) khá nhộn nhịp, sáng thu Hà Nội ấm áp. Mấy trăm cán bộ Đoàn các thế hệ đông vui, chật kín hội trường. Những cái bắt tay, ôm hôn thân thiết.

Nổi bật là những mái đầu bạc, nhưng câu chuyện thì vẫn trẻ trung. Bác Lê Đức Chỉnh vào tuổi 95 nhưng vẫn khỏe mạnh bước lên sân khấu nhận hoa chúc mừng, cùng các anh Nguyễn Khánh, Đặng Quốc Bảo đều đã ngoại 80…

Trong hội trường có đông đủ các anh nguyên là Bí thư thứ nhất, các Bí thư Trung ương Đoàn, cùng các cán bộ ban, đơn vị. Những mái đầu xanh xen lẫn, trong đó có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn, Bí thư thứ nhất Võ Văn Thưởng.

Vị khách đặc biệt của buổi họp mặt truyền thống là Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có mặt từ sáng sớm, thân mật trò chuyện cùng mọi người.

Sau những tiết mục ca nhạc của các nghệ sĩ trường Đại học Văn hóa- Nghệ thuật Quân đội, trong đó có tiếng hát của Nghệ sĩ Ưu tú - Đại tá Bích Việt. Anh Vũ Mão cũng góp tiếng hát với đoàn nghệ sĩ quân đội qua bài hát truyền thống do anh sáng tác cách đây 10 năm.

Tiếp đó người chủ trì buổi họp mặt là anh Vũ Mão mời Chủ tịch Nguyễn Minh Triết - anh Sáu Phong, phát biểu. Anh Sáu tỏ ý muốn lắng nghe mọi người nói trước.

Anh Trần Đình Đàn báo cáo vắn tắt một số hoạt động sắp tới cùng những công trình của Quốc hội đang được xây dựng khẩn trương. Anh Võ Văn Thưởng báo cáo với “các anh, các chị” như cách xưng hô thân mật anh vẫn thường xin phép dùng trong các buổi họp mặt cán bộ Đoàn các thế hệ như lâu nay.

Điểm lại bốn nét lớn công tác Đoàn trong nửa nhiệm kì qua cùng một số tồn tại mà toàn Đoàn đang tập trung phấn đấu sắp tới, hướng đến kỉ niệm 80 năm thành lập Đoàn - 2011 cũng là năm Đoàn ta đang đề nghị Đảng và Nhà nước cho mang tên Năm Thanh Niên.

Câu chuyện về thầy tôi

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mở đầu câu chuyện bằng lời tâm tình chân thành, gần gũi vốn có mà ai cũng ghi nhớ và ấn tượng. Nhưng hôm nay, anh Sáu Phong nói về anh Lê Quang Vịnh, một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một cán bộ Đoàn gương mẫu. Anh Lê Quang Vịnh, cùng vợ là chị Trần Thị Kim Khánh từ Huế cũng kịp ra dự họp mặt.

Giáo sư Lê Quang Vịnh và vợ - chị Trần Thị Kim Khánh tại nhà công vụ Văn phòng Chính phủ, Hà Nội
Giáo sư Lê Quang Vịnh và vợ - chị Trần Thị Kim Khánh tại nhà công vụ Văn phòng Chính phủ, Hà Nội . Ảnh: ĐT

Cả hội trường đều bất ngờ khi anh Sáu Phong kể về người thầy của mình - Giáo sư Lê Quang Vịnh. Anh Sáu đọc thuộc lòng một bài thơ dài của anh Lê Quang Vịnh, viết từ trong lao tù, năm 1962:

...Cho đến phút cuối cùng...

Dù trong đêm miền Nam đen tối nhất

Dù biết đâu ngày mai tôi vắng mặt

Tôi vẫn tin vững chắc ở ngày mai

“L’international... sẽ là xã hội tương lai!”


Nhưng hôm nay trong bàn tay lũ quỉ ngậm máu phun người

Tôi nghe án tử hình tuyên đọc

Trong một góc phòng tòa, mẹ hiền sùi sụt khóc

Ôi chứa chan những khóe mắt tình thương!

Phải chấm dứt rồi sao? Mới bước được nửa đường

Đời Cách mạng cảm lòng tôi biết mấy:

Đồng chí tôi đông khắp rừng, khắp rẫy

Khắp phố phường đùm bọc nghĩa đồng bào

Giữa nhân dân ta sống ngọt bùi sao!

Nhưng sẽ chết không chút buồn tiếc nuối

...

Bài thơ dứt, cả hội trường vỗ tay vang dội, nhiều người không ngăn nổi nước mắt. Anh Sáu đề nghị được dùng bó hoa anh vừa được tặng để trao tặng người thầy giáo của mình cách đây 50 năm. Trở về chỗ ngồi trong tiếng vỗ tay, anh Sáu rút khăn thấm vội nước mắt như cố nén những tình nghĩa thầy trò đồng chí của riêng mình.

Thay mặt mọi người, anh Vũ Mão nói lời cảm ơn sâu sắc với Chủ tịch nước, người đã rất nhiều năm gắn bó với Đoàn Thanh niên.

Câu chuyện về Tự Do

Bất ngờ và xúc động về câu chuyện của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, buổi chiều, chúng tôi tìm đến nhà công vụ của Văn phòng Chính phủ, tìm gặp vợ chồng anh Lê Quang Vịnh. Trong căn hộ hai phòng giản dị tại tầng hai, với giọng nói ấm áp, rành rọt, khúc chiết, anh Vịnh kể về phong trào đấu tranh sôi nổi của học sinh sinh viên Sài Gòn những năm đầu 60 của thế kỷ 20.

... Thời đi học của tôi (trung học và đại học) đã trôi qua trong máu và nước mắt. Nhà nghèo, mồ côi cha, tôi vừa đi học vừa đi dạy (tôi đi dạy kèm trẻ em từ lúc mới 16 tuổi) để góp phần cùng mẹ và chị nuôi sống gia đình. Từ khi đỗ đầu kì thi tú tài toàn phần tại Huế, tôi vừa đi dạy (các trường trung học tư thục) vừa đi học, vừa hoạt động Cách mạng.

Năm 1960, tôi đỗ thủ khoa Đại học Sư phạm Sài Gòn (khoa Toán). Lúc đó tôi không chỉ học chuyên môn mà hướng việc học của mình vào kiến thức tổng hợp, toàn diện. Tôi tập viết văn, viết báo, làm nhạc, làm thơ. Cùng lúc tôi ghi danh học 2-3 chứng chỉ ở các đại học khác nhau. Do đỗ thủ khoa, nên tôi được chọn trường để dạy. Đó là trường Pétrus Ký (nay là trường Lê Hồng Phong) và tiếp tục học thêm ở mấy trường đại học khác nữa.

Quả thật lúc đó là vì công việc: bí thư chi bộ sinh viên (lúc bấy giờ viện Đại học Sài Gòn gồm nhiều khoa, nhiều trường, chỉ có một chi bộ thôi) cho nên phải tìm cách tiếp cận với các đối tượng sinh viên khác nhau để hoạt động, giác ngộ, móc nối, tổ chức sinh viên ủng hộ Cách mạng.

Tại trường Pétrus Ký tôi dạy một lớp có hơn 20 học sinh, trong đó có hai người học trò nổi tiếng về sau này. Đó là anh Hồ Hữu Thới, sau đó làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, sau khi đất nước thống nhất là Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Người thứ hai là anh Nguyễn Minh Triết như chúng ta biết hiện nay.

Về anh Triết, tôi có câu chuyện thú vị nho nhỏ. Ấy là lần anh Triết sang dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc gần đây. Trong đoàn đón Chủ tịch nước có con trai tôi đang làm nghiên cứu sinh ở Mỹ, được đại sứ quán ta bố trí ôm hoa tặng Chủ tịch. Lúc nhận bó hoa, anh Triết hồ hởi: Chào cháu Lê Quang Tự Do! Đến lúc vào hội trường, sau vài câu chuyện, anh Triết bỗng cất lời bài hát “Cái tên Tự Do của bé” do tôi sáng tác:

Cái tên Tự Do của bé

Vì ba quá đắng cay lao tù

Có chi khổ đau hơn thế

Những ngày chuồng cọp âm u

Mười lăm năm xiềng xích

Tuổi xuân qua trong “chuồng bò”

Mẹ luôn luôn nhắc bé

Khắc sâu lòng căm thù.

Ngay lúc diễn ra buổi đón tiếp trọng thể và thân tình ấy trên đất Mỹ, tôi bất ngờ nhận được điện thoại của một người bạn Mỹ, kể về những sự việc nói trên và nói ngắn gọn: Anh Vịnh, tôi rất tự hào về anh và về cả con trai anh!

Mãi hôm sau, tôi mới chat được với cháu Lê Quang Tự Do, con trai đầu của tôi (sinh năm 1978). Cháu nói: Sự việc đúng vậy, con bất ngờ và hạnh phúc quá ba ạ. Cháu kể thêm: Lúc được gần Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, cháu mạnh dạn nói: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch nói ba cháu là thầy của Chủ tịch, có lẽ là nói quá lên. Anh Triết nói: Không có gì là quá cả, sự thật là thế mà!

Quả thật tôi chỉ dạy anh Triết năm học 1960-1961. Tôi đã bị bọn địch bắt đêm 19-8-1961, tại một bưng thuộc Đức Hòa, Long An đúng lúc tôi vừa viết xong bản báo cáo “Tình hình đấu tranh của Thanh niên, Sinh viên miền Nam”, kí tên là Tổng Thư kí Hội Liên hiệp Sinh viên - Học sinh Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Trước đó, khu ủy Sài Gòn đã chọn tôi làm đại diện sinh viên miền Nam ra dự hội nghị Sinh viên quốc tế chống chiến tranh xâm lược Việt Nam họp tại Hà Nội. Tôi cùng 11 đồng chí đã bị bọn ngụy quyền đưa ra toà xét xử ngày 23-5-1962. Tôi bị kết án tử hình cùng ba đồng chí khác, ba đồng chí bị tù chung thân, năm đồng chí bị tù từ 5-15 năm.

Sau khi tuyên án, bốn anh em tội tử hình bị còng tay, chở từ nhà lao Chí Hòa ra Bạch Đằng, lùa lên tàu há mồm, theo sông Sài Gòn ra Vũng Tàu rồi chạy thẳng ra Côn Đảo, trong đêm biển động dữ dội.

14 năm dài quằn quại trong Chuồng Cọp, trong Hầm Đá, nhưng tình nghĩa gia đình, đồng bào, đồng chí luôn ấm áp trong trái tim tôi.

Có lẽ, chính vì vậy mà chúng tôi đã có cả Tự Do và Hạnh Phúc. Con gái thứ hai của tôi là Lê Quang Hạnh Phúc đang là nghiên cứu sinh ở Úc.

* * *

Buổi gặp gỡ kết thúc và chúng tôi chia tay trong chiều muộn Hà Nội. Câu chuyện giản dị nhưng lắng đọng của anh, cùng đôi lời điểm xuyết của chị in đậm mãi trong tâm khảm chúng tôi.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.