Tập đoàn Vingroup vừa ký thỏa thuận hợp tác với 250 doanh nghiệp tổng thể giữa bán hàng và tư vấn về công nghệ quản trị, kiểm soát chất lượng, marketing... cho các doanh nghiệp tham gia vào hệ thống tại 18 tỉnh, thành. Các chuyên gia đều nhận định đây là một trong những tín hiệu tích cực trên thị trường bán lẻ, đồng thời cho rằng xu hướng liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước là hướng đi đúng đắn trong bối cảnh các đại gia ngoại đang đổ bộ, tìm cách chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Cùng với đó là nhiều hiệp định thương mại được ký kết khiến hàng hóa sản xuất trong nước sẽ chịu nhiều sức ép từ những thương hiệu ngoại.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, sự liên kết này là tất yếu bởi doanh nghiệp Việt sẽ không thể cạnh tranh được nếu phân phối hàng ngoại.
"Làm sao chúng ta bằng được doanh nghiệp Thái đã gắn bó với các nhà sản xuất của họ bao lâu nay. Doanh nghiệp Việt càng không thể cạnh tranh bằng cách đưa hàng Trung Quốc vào hệ thống của mình vì họ quá hiểu những rủi ro có thể gặp phải. Họ cũng rất khó để cạnh tranh với Hàn Quốc, Nhật Bản... Do đó, nếu còn e ngại mà không liên kết thì doanh nghiệp Việt sẽ giống như những chiếc đũa bị bẻ gãy một cách dễ dàng", bà Lan nhận định.
Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng, việc các doanh nghiệp bán lẻ Việt sẽ liên kết như thế nào cũng là một trong những điều cần phải tính toán kỹ lưỡng. Bởi trước đây, những mô hình ký kết hợp tác, liên kết trong ngành bán lẻ từng được đưa ra nhưng chưa mang lại được hiệu quả như mong đợi.
Cụ thể, 4 "ông lớn" trong ngành bán lẻ của Việt Nam là: Satra, Hapro, Phú Thái và SaigonCo.op từng cùng hợp tác để hình thành nên một liên minh bán lẻ, với kỳ vọng xây dựng một thương hiệu lớn có sức mạnh cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài. Các doanh nghiệp này còn có tham vọng xây dựng và trở thành một tập đoàn bán lẻ lớn để hỗ trợ các doanh nghiệp nội. Tuy nhiên, sự hợp tác này đã không đem lại thành công, thậm chí theo một số chuyên gia, mô hình đã thất bại khi vướng nhiều rào cản.
Các doanh nghiệp Việt hiện cũng có mạng lưới liên kết với hàng trăm đơn vị sản xuất trong nước. Tuy nhiên, sự hợp tác này vẫn chưa đủ để nâng tầm ngành bán lẻ Việt khiến thị phần ngày càng bị thu hẹp. Theo ước tính, tổng doanh thu bán hàng của các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 53% còn các doanh nghiệp nội địa là 47%.
Lý giải về sự thất bại của những mối liên kết này, bà Lan cho rằng, từ lâu dù đã hô hào bằng nhiều khẩu hiệu nhưng sự liên kết của doanh nghiệp trong ngành bán lẻ còn lỏng lẻo, e ngại lẫn nhau hoặc rào cản từ chính sách. Do đó, tại thị trường Việt Nam, hàng Trung Quốc và gần đây là hàng Thái, Nhật… tràn vào với số lượng lớn đã tạo sức ép không nhỏ cho hàng Việt.
Thừa nhận liên kết là mặt yếu của doanh nghiệp Việt, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam chất lượng cao cho rằng, trước đây đã có nhiều cuộc kiếm tìm các giải pháp để định vị vị thế của doanh nghiệp Việt nhưng đều bế tắc. Hiện các doanh nghiệp cũng cảm nhận được sức ép cạnh tranh giống như sức nóng phả sau gáy. Đó vấn đề thực tế và diễn ra hằng ngày trong bối cảnh hàng hóa các nước ASEAN phủ sóng hầu hết các kênh phân phối.
Theo bà, khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn khi đầu vào cao, đầu ra gặp khó, trong khi quá trình sản xuất cũng chưa hẳn mạnh về công nghệ lẫn xúc tiến dịch vụ như các nước bạn. Do đó, theo bà Hạnh việc các doanh nghiệp Việt liên kết phải được tính toán có chiến lược hơn, bỏ thói quen đi riêng, đánh lẻ, để có hàng hóa lâu dài với chất lượng ổn định.
“Như vậy tức là doanh nghiệp phải đủ mạnh và hàng hóa phải đủ sức chinh phục người tiêu dùng. Trong chuỗi liên kết, nhà bán lẻ không thể đứng ở cửa thuyết phục người tiêu dùng vào mua đi, mà phải từ thực chất, chất lượng của hàng hóa”, bà Hạnh nhận định.
Còn theo bà Lan, lời kêu gọi liên kết trước đây vẫn đúng nhưng cách làm phải khác, theo hướng căn cơ hơn. "Kêu gọi doanh nghiệp liên kết, nhưng phải đi liền với việc bảo vệ, quan tâm người tiêu dùng Việt, đưa ra những sản phẩm chất lượng, thực sự có sức cạnh tranh, không phải một chiều, chỉ bảo vệ người sản xuất và người phân phối", bà Lan nhận định.
Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho rằng Chính phủ cần nhanh chóng xây dựng và triển khai Đề án phát triển hệ thống bán lẻ Việt Nam với mục đích nhanh chóng hình thành những nhà bán lẻ mạnh có vai trò dẫn dắt, hỗ trợ phát triển thị trường cho doanh nghiệp Việt. Cùng với đó là sự tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, phân biệt đối xử, gây sức ép, lợi dụng ưu thế thị phần lớn.