Để làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc chậm xử lý các công trình vi phạm phá vỡ quy hoạch phố cổ, PV Tiền Phong đã trao đổi với đại diện lãnh đạo một số phường có tên trong văn bản đốc thúc do Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm ban hành hồi đầu tháng 4/2016.
Đối với 3 công trình vi phạm liền kề tại số 43, 45, 47 phố Hàng Đồng, đại diện lãnh đạo UBND phường Hàng Bồ cho biết đã hoàn thiện phương án phá dỡ trình Phòng Quản lý đô thị quận thẩm định.Sau khi phương án được thẩm định, UBND phường sẽ tổ chức lực lượng thực hiện quyết định cưỡng chế theo chỉ đạo của lãnh đạo quận.
Trong nỗ lực hạn chế tình trạng vi phạm phát sinh trên địa bàn, ông Long cho biết, vừa qua, UBND quận Hoàn Kiếm và Sở Xây dựng Hà Nội đã ký biên bản tăng cường phối hợp giám sát, phát hiện kịp thời công trình vi phạm.
Trong đó, xác định rõ trách nhiệm xử lý của cán bộ thanh tra xây dựng, Đội Thanh tra xây dựng quận, Phòng Quản lý đô thị, UBND phường, UBND quận. Tuy nhiên, biên bản phối hợp chỉ thực sự mang lại hiệu quả nếu UBND phường, cùng đội ngũ cán bộ giám sát ở cơ sở thực hiện nghiêm túc và đầy đủ trách nhiệm được giao phó.
Phố Bảo Khánh
Cứ nộp tiền là tồn tại thì không còn kỷ cương
Nói về việc xử lý các công trình vi phạm đang “đâm thủng” quy hoạch phố cổ, trao đổi với PV Tiền Phong, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết: “Xử lý cưỡng chế phá dỡ những cao ốc vi phạm sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với chủ đầu tư là người dân.
Tuy nhiên, đây là việc buộc phải làm nếu muốn lập lại kỷ cương về xây dựng ở khu vực phố cổ - phố cũ. Lâu nay, việc xử lý các công trình vi phạm của các cấp chính quyền quá dễ dàng, nên mới dẫn đến tình trạng vi phạm bùng nổ như hiện nay. Vì lý do này, tôi vẫn bảo lưu quan điểm cần phải dừng ngay cơ chế phạt cho tồn tại. Nếu cứ nộp tiền là được tồn tại thì sẽ chẳng còn kỷ cương”.
Theo ông Võ, cùng với xử lý chủ đầu tư bằng việc cưỡng chế công trình vi phạm, thành phố cần khoanh vùng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Phải chăng lãnh đạo UBND các phường đã vì những vấn đề “tế nhị” mà buông lỏng quản lý?
“Nếu việc giám sát được thực hiện nghiêm túc, minh bạch, tôi tin sẽ không có công trình vi phạm nào mọc lên, và người dân không bị thiệt hại kinh tế khi thực hiện các quyết định cưỡng chế phá dỡ của chính quyền”, ông Võ nói.
Tình trạng vi phạm TTXD ở các quận nội thành Hà Nội, đặc biệt là khu vực phố cổ - phố cũ đã ở mức đáng báo động. “Để ngăn chặn tình trạng này, UBND thành phố Hà Nội có biện pháp mạnh tay, chấp nhận kỷ luật nghiêm cán bộ có liên quan để làm gương cho những trường hợp có tư tưởng bao che cho sai phạm…”, ông Võ đề xuất.