Để bảo tồn không gian và kiến trúc khu vực phố cổ, ngày 24/10/2013, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ký Quyết định số 6398/QĐ - UBND ban hành Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc phố cổ khống chế các công trình xây dựng về chiều cao và mật độ ở từng khu vực, từng tuyến phố.
Tuy nhiên, hiệu quả thực tiễn Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc phố cổ đem lại thời gian qua không đạt được. Nhiều tuyến phố quy định rõ việc khống chế chiều cao công trình không vượt quá 16m (tương đương 4 tầng), mật độ xây dựng 60 - 70%, nhưng chủ đầu tư ngang nhiên xây cao 9- 11 tầng khiến dư luận bức xúc.
Trong đó, nổi bật cụm công trình trên phố Hàng Đồng (phường Hàng Bồ), phố Tô Tịch, Hàng Gai (phường Hàng Gai) và một số công trình trên phố Thợ Nhuộm...
Sau loạt bài điều tra, phân tích của báo Tiền Phong, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, đưa ra các biện pháp xử lý.
Trong tháng 3/2016, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm ban hành Quyết định cưỡng chế đối với 3 công trình vi phạm tại số nhà 43, 45, 47 phố Hàng Đồng (phường Hàng Bồ), yêu cầu UBND phường Hàng Bồ tổ chức thực hiện cưỡng chế phá dỡ phần diện tích vi phạm nằm ngoài giấy phép xây dựng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, sau khi Chủ tịch UBND quận ban hành các quyết định cưỡng chế, UBND quận đã đốc thúc UBND các phường lập phương án cưỡng chế trình cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt.
“Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có một số tuyến phố để xảy ra tình trạng vi phạm TTXD, hiện UBND quận đang tập trung chỉ đạo chính quyền các phường tổ chức cưỡng chế. xử lý dứt điểm các công trình vi phạm trở về đúng với giấy phép xây dựng.
Quan điểm của UBND quận Hoàn Kiếm là kiên quyết xử lý tình trạng vi phạm TTXD. Trước mắt, chúng tôi sẽ tăng cường giám sát việc xử lý các công trình vi phạm đã được kết luận, đồng thời không để phát sinh vi phạm mới”, ông Long nói.
Mặc dù UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành quyết định cưỡng chế một loạt công trình vi phạm, nhưng đến nay tốc độ tổ chức thực hiện của chính quyền các phường vẫn còn rất chậm, nhiều công trình vi phạm nghiêm trọng vẫn “án binh bất động”.
Giải thích tình trạng trên, ông Phạm Tuấn Long cho biết: “Việc chậm xử lý các công trình vi phạm có nguyên nhân chủ yếu là chủ đầu tư công trình, hoặc UBND các phường chậm hoàn thiện phương án phá dỡ đảm bảo an toàn, trình đơn vị chức năng của quận phê duyệt.
Mới đây nhất, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn tiếp tục ký văn bản đốc thúc yêu cầu xử lý dứt điểm công trình vi phạm tại số 8 Lý Nam Đế; 84 Thợ Nhuộm;1B Tô Tịch; 42, 43, 45, 47 Hàng Đồng.