Cấp phép trái luật cho tàu du lịch

Dù tàu du lịch không vào cảng mà dùng tender chuyển tải khách ra nhưng vẫn được Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh cấp phép rời bến.
Dù tàu du lịch không vào cảng mà dùng tender chuyển tải khách ra nhưng vẫn được Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh cấp phép rời bến.
TP - Tàu du lịch neo cách bờ vài trăm mét, lấn luồng hàng hải, hành khách phải “tăng bo” bằng xuồng máy (tender) lên tàu nhưng Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh vẫn cấp lệnh xuất bến, gây nguy cơ mất an toàn cho tàu và khách du lịch.

Tràn ra luồng hàng hải

Có mặt tại cảng tàu khách Hòn Gai-Vinashin, chúng tôi chứng kiến cảnh hàng trăm khách du lịch, trong đó đa số là du khách nước ngoài, tham quan vịnh Hạ Long phải tăng bo bằng xuồng máy (tender) từ bờ ra các tàu du lịch đỗ cách bờ xa vài ba trăm mét. Theo quy định, tàu du lịch chỉ được đón trả khách trong vùng nước cảng bến thủy nội địa Hòn Gai-Vinashin có diện tích hơn 11.000m2 do Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh quản lý. Nhưng từ lâu, các tàu du lịch này neo đậu cách xa bờ hàng trăm mét dùng xuồng máy “tăng bo” khách lên mà vẫn được Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh cấp lệnh hoạt động.

Ông Hoàng Song Tùng, Trưởng phòng Pháp chế Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh cho biết, vị trí các tàu du lịch neo đậu đón khách thuộc về vùng nước cảng biển. Theo đó, vùng nước cảng đường thủy nội địa Hòn Gai-Vinashin chỉ có thể tiếp nhận được 10 tàu nhưng từ đầu năm 2015 có tới gần 60 tàu hoạt động dẫn tới quá tải.

Do cơ quan quản lý hoạt động tàu khách là Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh không bố trí được nơi neo đậu nên từ giữa tháng 10 đến nay gần 60 tàu du lịch này neo đậu tràn lan, lấn chiếm vị trí neo đậu của tàu biển, thậm chí lấn luồng tàu biển, có thể xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào. Vào các buổi trưa hằng ngày, tại khu vực trước bến, các xuồng máy “tăng bo” khách chạy ngược xuôi hết sức hỗn loạn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho hoạt động của tàu bè, đe dọa tính mạng du khách.

Phớt lờ chỉ đạo của tỉnh

Được biết, do từ đầu năm 2015, do số lượng tàu du lịch đón trả khách tại cảng Hòn Gai-Vinashin tăng vọt, trong đó có nhiều tàu hoạt động trên vịnh Hạ Long nên ngày 18/5/2015, ông Lê Quang Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đã có văn bản chỉ đạo Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh chỉ được cấp phép cho tàu chở khách đi vịnh Bái Tử Long. Chỉ đạo này nhằm phát triển hoạt động tham quan du lịch về vịnh Bái Tử Long. Sở GTVT cũng có các văn bản yêu cầu thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh.

Nhưng phớt lờ chỉ đạo này, từ đó đến nay, thừa lệnh của Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh, các cán bộ dưới quyền vẫn cấp lệnh cho tàu đi tham quan vịnh Hạ Long tại cảng Hòn Gai-Vinashin. Theo số liệu của Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh, trung bình mỗi ngày tại cảng Hòn Gai-Vinashin, cơ quan này làm lệnh xuất bến cho khoảng 37 tàu chở khách du lịch, trong đó, chỉ có khoảng 10-12 tàu đi vịnh Bái Tử Long, số còn lại đi vịnh Hạ Long. Cụ thể, ngày 15/12, toàn bộ 29 tàu du lịch được cấp phép rời bến đều đi tham quan vịnh Hạ Long. Ngày 14/12, cấp lệnh cho 25 tàu rời cảng Hòn Gai-Vinashin, chỉ có 10 tàu đi vịnh Bái Tử Long, 15 tàu còn lại đi vịnh Hạ Long.

Ông Lê Duy Phước, Phó giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh, thừa nhận tình trạng cấp phép cho tàu du lịch đi tuyến vịnh Hạ Long tại cảng Hòn Gai-Vinashin như vậy là không đúng quy định của tỉnh. Ông Phước cũng thừa nhận có tình trạng các tàu du lịch neo đậu cách bờ hàng trăm mét trong vùng nước cảng biển, dùng tender chuyển tải khách lên tàu vẫn được Cảng vụ đường thủy nội địa cấp lệnh rời bến.

Ông Lê Văn Hùng, Trưởng phòng Pháp chế an toàn Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh cho rằng, tình trạng tàu du lịch neo đậu tràn lan ra luồng hàng hải đón khách, nếu xảy ra tai nạn trách nhiệm thuộc về Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh.  

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.