CẬP NHẬT: Đối phó bão số 9, cấm tàu, hoãn họp, cho học sinh nghỉ học
Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi vào bờ tránh trú bão số 9. Ảnh: Nguyễn Ngọc
TPO - Đối phó bão số 9, nhiều địa phương đã khẩn trương cấm tàu thuyền ra khơi, hoãn họp nên kế hoạch sơ tán dân.
Trưa 26/10, UBND tỉnh Quảng Ngãi phát công điện hỏa tốc về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bão số 9. Trong đó, nghiêm cấm tất cả phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động từ 20 giờ ngày 26/10.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm hoặc quay về bờ ngay để neo đậu an toàn.
Người dân xã Bình Đông, Huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi neo đậu thuyền thúng tránh trú bão số 9. . Ảnh: Nguyễn Ngọc
Tiếp tục theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra (nhất là đối với các tàu, thuyền còn ở trong khu vực ảnh hưởng của bão). Lưu ý các tàu thuyền neo đậu ở các khu vực bãi ngang ven biển phải vào nơi trú tránh hoặc có biện pháp bảo vệ an toàn. Kêu gọi và hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản an toàn tại các khu neo đậu; tuyệt đối không để người ở lại trên lồng bè khi có sóng, gió lớn. Đối với công tác ứng phó với bão đổ bộ, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 9, sử dụng tất cả các phương tiện truyền thông hiện có (hệ thống truyền thanh địa phương, loa truyền thanh lưu động, loa tay…) để truyền tin dự báo, cảnh báo bão, hướng dẫn nhân dân di dời, sơ tán, chằng chống nhà cửa theo phương thức “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, bảo đảm tất cả người dân đều thường xuyên nắm được thông tin, chủ động phòng, chống bão; vận động, tuyên truyền người dân phát huy tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng.
Đưa thuyền thúng lên bờ tránh bão. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, đến 9 giờ 30 phút ngày 26/10, số tàu cá của tỉnh đang hoạt động trên các vùng biển là: 275 tàu với 3.823 lao động. Cụ thể: vùng biển quần đảo Hoàng Sa là 2 tàu, 22 lao động; vùng biển quần đảo Trường Sa có 158 tàu, 3.036 lao động; vùng biển các tỉnh phía Nam 91 tàu, 537 lao động; vùng biển tỉnh Quảng Ngãi có 24 tàu 228 lao động. Với 2 tàu hoạt động ở vùng biển nguy hiểm là vùng biển quần đảo Hoàng Sa, cơ quan chức năng đã liên lạc được với các tàu. Các tàu đang chạy vào bờ tránh bão.
Các cấp học ở Quảng Ngãi nghỉ học từ chiều 27/10 để phòng tránh bão số 9
Ngày 26/10, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi gửi thông báo đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh về việc cho học sinh nghỉ học để phòng tránh bão số 9 (Molave).
Theo đó, để đảm bảo an toàn về người, tài sản các cơ sở giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi quyết định cho học sinh tất cả các cấp học trên địa bàn tỉnh nghỉ học từ chiều 27/10 đến hết ngày 29/10.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu các đơn vị phân công lãnh đạo, giáo viên, nhân viên tham gia trực tại cơ quan, theo dõi tình hình mưa bão, phối hợp với chính quyền địa phương để kịp thời xây dựng các phương án phòng chống bão số 9 hiệu quả, an toàn.
Ngoài ra, sau khi bão đi qua, các cơ sở giáo dục phải thực hiện việc dọn vệ sinh trường, lớp học, đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh và đón học sinh quay trở lại học tập bình thường.
Lo sợ triều cường đánh bay nhà, nhiều khu dân cư dọc bờ biển Quảng Ngãi gia cố bờ biển. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, vào 13 giờ ngày 26/10, vị trí tâm bão số 9 ở khoảng 13,5 độ vĩ Bbc; 118,8 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 550 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135 km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100 km tính từ tâm bão. Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 9 di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,0 độ vĩ bắc; 113,2 độ kinh đng, cách bờ biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên khoảng 460 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150 km/giờ), giật cấp 15. Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 11,0 đến 17,0 độ vĩ bắc; từ kinh tuyến 110,5 đến 120,0 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 9 di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Đến 13 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,8 độ vĩ bắc; 108,3 độ kinh đông, trên đất liền khu vực từ Đà Nẵng đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 11. Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 1 giờ ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 14,9 độ vĩ bắc; 105,6 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8.
Quảng Nam hoãn họp, sơ tán dân, cho học sinh nghỉ học 2 ngày để tránh bão số 9
Để chủ động ứng phó với bão Molave và tình hình mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình mưa lũ để chủ động ứng phó kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Rà soát phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống, sự cố bất thường; chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các tuyến đường đi qua ngầm, tràn… phòng tránh, hạn chế đi lại; chủ động phương án thực hiện sơ tán, di dời Nhân dân đến nơi an toàn đối với những khu vực ngập sâu, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét.
Kiểm tra công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở địa phương, nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ; chỉ đạo Nhân dân tự dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt từ 7 - 10 ngày.
Triển khai lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở địa phương giúp Nhân dân chằng chống nhà cửa, di chuyển dân đến tạm trú nơi an toàn; sẵn sàng thực hiện cứu nạn, cứu hộ Nhân dân nơi khó khăn.
Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa, thực hiện tốt việc thông báo, điều tiết xả lũ linh hoạt và theo đúng Quy trình vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Cùng ngày, ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết, đã ký văn bản quyết định cho học sinh các cấp nghỉ học hai ngày (27 và 28-10) để phòng tránh bão. (Hoài Văn).
Học sinh, sinh viên Đà Nẵng nghỉ học từ chiều 27/10 để tránh bão số 9
Chiều 26/10, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cho biết đã yêu cầu thủ trưởng, hiệu trưởng cá đơn vị, trường học khẩn trương thông báo cho trẻ mầm non, học sinh, học viên, sinh viên nghỉ học vào chiều 27/10 và cả ngày 28/10 để phòng tránh bão.
Trong trường hợp có diễn biến bão, mưa lũ phức tạp, Sở sẽ có thông báo mới. Giám đốc Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các trường học kiểm tra và rà soát phương án phòng chống bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất; đồng thời, có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản, hoàn thành trước 17h ngày 27/10.
Các bộ phận liên quan phải trực 24/24 để sẵn sàng ứng phó với những tình huống phát sinh. Các trường cần chuẩn bị sẵn phương án dọn vệ sinh, khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ gây ra; báo cáo thiệt hại về Sở GD&ĐT.
Cũng trong chiều 26/10, UBND TP Đà Nẵng cũng có công điện về việc ứng phó bão Molave. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu các quận, huyện; đặc biệt là các quận, huyện ven biển sẵn sàng triển khai ngay phương án sơ tán các hộ dân ở các khu nhà tạm, nhà không kiên cố, nhà ven biển, khu vực có nguy cơ sạt lở… đến nơi an toàn.
Các địa phương cần tổ chức neo đậu tàu thuyền, chằng chống nhà cửa, có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại các khu lồng bè nuôi trồng thủy sản…
Các công trình đang xây dựng phải được chằng chống, triển khai các biện pháp neo giữ, gia cố giàn giáo, lưới bao che, hàng rào tôn, hạ cần trục tháp, cẩu và các thiết bị thi công trên cao… Tất cả các công việc trên phải hoàn thành trước 15h ngày 27/10 và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống COVID – 19. (Giang Thanh)
TPO - Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, chúng ta đang thực thi chính sách trao quyền tự chủ cho giáo dục đại học thì việc trao quyền công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư cho các trường đại học là một xu thế tất yếu.
Việc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam công khai sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị bão lũ là để các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước có thể thấy được và yên tâm khi sự đóng góp của mình đã đến đúng địa chỉ.