Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột gần 22.000 tỷ chậm tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dù đã khởi công từ giữa tháng 6 vừa qua, nhưng do vướng mắc về chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, phê duyệt phòng cháy chữa cháy nên tới nay Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang chậm tiến độ.

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 dài hơn 117 km, quy mô 4 làn xe, tổng vốn đầu tư gần 22.000 tỷ đồng. Toàn tuyến được chia thành 3 dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 1 do UBND tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư (vốn hơn 5.300 tỷ đồng); dự án thành phần 3 do Đắk Lắk làm chủ đầu tư (6.100 tỷ đồng), và dự án thành phần 2 do Bộ GTVT làm chủ đầu tư (10.400 tỷ đồng).

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết các dự án thành phần trên được chia làm 8 gói thầu, được phê duyệt báo cáo khả thi hồi tháng 3. Tuy nhiên, sau phê duyệt dự án, vốn đầu tư từng dự án đã phải điều chỉnh lại so với báo cáo đề xuất Quốc hội. Cụ thể, vốn đầu tư dự án thành phần 1 giảm gần 300 tỷ đồng; dự án thành phần 3 giảm 320 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng giảm 100 tỷ đồng; nhưng dự án thành phần 2 tăng tới gần 620 tỷ đồng.

Tới nay, dự án thành phần 1 và 3 đã giải phóng mặt bằng sạch đạt trên dưới 70%, riêng dự án thành phần 2 mới đạt 7% diện tích.

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột gần 22.000 tỷ chậm tiến độ ảnh 1

Phối cảnh một nút giao trên cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Về tiến độ thi công, tới nay, 7/8 gói thầu đã chọn được nhà thầu và tổ chức khởi công giữa tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên, tới nay việc thi công còn chậm, hầu hết các gói thầu đang tập kết máy móc thiết bị, nhân lực, lán trại, đường công vụ, đào bóc đất hữu cơ, lớp phong hóa...

Theo Bộ GTVT, tới hết tháng 8 số vốn giải ngân được hơn 878 tỷ đồng, đạt 26% tổng vốn kế hoạch năm. Trong đó, dự án thành phần 1 giải ngân đạt 42%, dự án thành phần 3 giải ngân đạt hơn 34%, riêng dự án thành phần 2 giải ngân chỉ đạt 3% kế hoạch.

Bộ GTVT thừa nhận, so với tiến độ Chính phủ giao, riêng thời gian phê duyệt báo cáo khả thi Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột chậm 2 tháng. Nguyên nhân chậm do tổng mức đầu tư bước lập báo cáo khả thi vượt dự toán, nên các bên liên quan phải rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh vốn, đảm bảo không vượt dự toán.

Bên cạnh đó, công tác lập, trình, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, chính sách giải phóng mặt bằng dài hơn dự kiến, ảnh hưởng tới tiến độ dự án.

Đặc biệt, tại dự án thành phần 2 (do Bộ GTVT làm chủ đầu tư), tiến độ giải phóng mặt bằng chậm (mới đạt 7%), do dự án chủ yếu qua phần diện tích đất rừng, trong khi thủ tục chuyển đổi kéo dài. Tới nay, các địa phương đang hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng phục vụ dự án.

Ngoài ra, gói thầu thi công hầm Phượng Hoàng chậm phê duyệt và chọn nhà thầu, dẫn tới chậm tiến độ dây chuyền các bước tiếp theo. Tình trạng này do phải tới đầu tháng 9 mới hoàn thành thủ tục về phòng cháy chữa cháy công trình hầm.

Cùng với tiến độ thi công thực tế chưa nhiều, tỷ lệ giải ngân cũng thấp (bình quân toàn dự án đạt 26%), do phần tiền đã chi chủ yếu cho tư vấn, tạm ứng hợp đồng, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Bộ GTVT lý giải, việc giải ngân chậm do phê duyệt chậm phê duyệt dự án; vướng mắc thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng; cấp chứng nhận thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy dẫn đến chậm các bước tiếp theo, nên giải ngân chậm...

Theo Bộ GTVT, để giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Thủ tướng đã chỉ đạo các chủ đầu tư, bộ ngành và địa phương liên quan xử lý dứt điểm vướng mắc về mặt bằng, đặc biệt thủ tục chuyển đổi đất rừng; nguồn cung vật liệu xây dựng...

Bộ GTVT cũng đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện cơ chế đặc thù giao mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho nhà thầu để khai thác phục vụ cao tốc.

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 dài hơn 117 km, quy mô 4 làn xe, tổng vốn đầu tư gần 22.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn từ nay tới năm 2025 ngân sách trung ương bố trí hơn 15.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương góp trên 1.200 tỷ đồng; sau năm 2025 ngân sách trung ương bố trí thêm hơn 6.800 tỷ đồng.

Tiến độ cao tốc dự kiến hoàn thành một số đoạn vào năm 2025, cơ bản hoàn thành năm 2026, hoàn thành đồng bộ vào năm 2027.

MỚI - NÓNG