Cao tốc

Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng thu phí không dừng, không nhận tiền mặt từ 1/6: Nhà đầu tư đã chuẩn bị gì?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bắt đầu từ sáng mai (1/6), thay vì dùng tiền mặt, tất cả ô tô đi trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thực hiện trả phí qua thẻ điện tử không dừng (ETC). Để thực hiện công việc này, nhà đầu tư tuyến đường vừa có văn bản báo cáo Bộ GTVT phương án triển khai.

Đóng tất cả làn xe thu tiền mặt

Văn bản do lãnh đạo Tổng Cty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) báo cáo Bộ GTVT cho biết, ngay từ khi có chủ trương thí điểm chỉ thu phí không dừng trên đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng của Chính phủ và Bộ GTVT, từ cuối tháng 1/2022, VIDIFI đã triển khai các công tác chuẩn bị. Gồm: Xây dựng phương án tổ chức giao thông; kịch bản xử lý các tình huống, sự cố có thể xảy ra khi dừng thu phí truyền thống chuyển sang thu phí không dừng, báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) xem xét, chấp thuận.

Với phương án tổ chức, giao thông: VIDIFI đã làm việc với đại diện Cục CSGT về phương án tổ chức giao thông, phương án xử lý sự cố, tình huống, kế hoạch tổ chức diễn tập để phối hợp khi thực hiện thí điểm; đã lắp đặt các biển báo chỉ dẫn giao thông tại các trạm thu phí, biển báo tại các lối vào, nút giao; sơn lại các vạch chỉ dẫn ETC trên nền đường…

Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng thu phí không dừng, không nhận tiền mặt từ 1/6: Nhà đầu tư đã chuẩn bị gì? ảnh 1

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ đóng các làn thu phí tiền mặt từ ngày mai (1/6). Ảnh: Trọng Đảng

VIDIFI đã làm việc và yêu cầu các Nhà cung cấp dịch vụ thu phí ETC tăng cường công tác dán thẻ tại trước các trạm thu phí để dán thẻ cho các xe có nhu cầu nhưng chưa kịp dán sau khi tuyến “đóng” làn thu phí tiền mặt từ 1/6; rà soát thẻ lỗi, thẻ hỏng để thay thế cho khách hàng và phối hợp với VIDIFI trong công tác tuyên truyền; làm việc với các Nhà cung cấp dịch vụ để xác định các lỗi có thể xảy ra trong vận hành và giải pháp xử lý, khắc phục.

Về đường truyền (cáp quang) dữ liệu, lãnh đạo VIDIFI cho biết, ngoài đường truyền hiện có, VIDIFI đã bổ sung xong hai phương án đường truyền dự phòng kết nối với các trạm thu phí và truyền thông tin, dữ liệu đến nhà cung cấp dịch vụ. Cụ thể, VIDIFI đã bổ sung một đường cáp quang dự phòng từ trạm thu phí đầu tuyến (phía Hà Nội) về Trung tâm điều hành và nhà cung cấp dịch vụ ETC; ở trạm cuối tuyến (Hải Phòng) cũng bố trí bổ sung một đường truyền dự phòng từ trạm thu phí về trung tâm xử lý thu phí của nhà cung cấp dịch vụ ETC.

"Thay vì chỉ có một đường truyền duy nhất (và từng xảy ra đứt cáp quang dịp Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua) hiện tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã có tới 3 đường truyền kết nối thông suốt trên toàn tuyến và đề phòng sự cố mất liên lạc do một trong các đường truyền có thể gặp sự cố" - lãnh đạo VIDIFI thông tin.

Cùng với đó, VIDIFI luôn tăng cường kiểm tra, rà soát, bảo trì hệ thống thiết bị, phần mềm đồng thời cập nhật công nghệ và đầu tư thay thế, sửa chữa kịp thời để đảm bảo hệ thống thu phí và đường truyền luôn hoạt động tốt.

Lượng xe đạt 48.000 lượt/ngày, trên 63% xe đã dán ETC

Đề cập đến việc bố trí các làn thu phí ETC, lãnh đạo VIDIFI cho biết, trên toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hiện đang có 62 làn thu phí. Để thực hiện việc thu phí ETC 100% xe đi trên tuyến, hiện nhà đầu tư đã bố trí 32 làn ETC (tương đương 51% số làn thu phí hiện có) để thực hiện từ 1/6. 32 làn thu phí ETC được phân bổ:

Đối với các trạm trên chính tuyến (Đầu tuyến Hà Nội và cuối tuyến Hải Phòng), VIDIFI bố trí số lượng làn ETC gấp 1,5 tổng số làn đường, trung bình mỗi trạm có 09 làn ETC.

Đối với các trạm tại nút giao như QL39, QL38B, QL10 bố trí 4 làn ETC, trong đó mỗi chiều đường 02 làn; tại trạm thu phí nút giao ĐT353, bố trí 02 làn ETC, mỗi chiều 01 làn.

“Việc bố trí làn ETC như trên đảm bảo tổng số làn bố trí là 32 làn (trên 50%) theo văn bản chấp thuận của Tổng cục ĐBVN và ưu tiên các trạm thu phí trên tuyến chính. Việc này là để tăng khả năng lưu thông và giảm thiểu nguy cơ ùn tắc giao thông tại trạm thu phí trên chính tuyến”, lãnh đạo VIDIFI thông tin

Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng thu phí không dừng, không nhận tiền mặt từ 1/6: Nhà đầu tư đã chuẩn bị gì? ảnh 2

Lượng xe trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trung bình 45.000 đến 48.000 lượt xe/ngày. Ảnh: Trọng Đảng

Đánh giá về số lượng xe ô tô đã dán thẻ thanh toán ETC hoạt động trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, lãnh đạo VIDIFI cho biết, trong năm 2021, trung bình lưu lượng phương tiện sử dụng ETC chiếm khoảng 23,7 % tổng lưu lượng xe. Tuy nhiên, kể từ sau khi có chủ trương thí điểm chỉ thu phí ETC trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, lưu lượng xe sử dụng ETC trên tuyến đã tăng lên rõ rệt theo thời gian. Cụ thể, tháng 1/2022 đạt 42,9 %, tháng 2/2022 đạt 45,4%, tháng 3/2022 đạt 49,6%, tháng 4/2022 đạt 54,1%, tháng 5/2022 (tính đến hết ngày 22/5/2022) đạt 63,6% tổng lưu lượng xe trên tuyến.

Về lưu lượng xe trên tuyến, lãnh đạo VIDIFI thông báo, từ đầu năm 2022 sau khi dịch COVID được kiểm soát, lưu lượng xe trên tuyến cũng tăng mạnh, hiện trung bình đạt 46.000 - 48.000 lượt xe/ngày; so với năm 2019 số lượng này tăng hơn 30%.

Từ thực tế này, để đảm bảo xe đi lại thông suốt, không xảy ra ùn ứ tại trạm thu phí, lãnh đạo VIDIFI đề xuất, ngoài 32 làn ETC đã bố trí, thời gian tới tuyến cần thiết phải bổ sung thêm khoảng 15 làn ETC để phù hợp với sự tăng trưởng về phương tiện.

Cùng với đó, lãnh đạo VIDIFI cũng nêu một thực tế, mặc dù đã tích cực tuyên truyền nhưng tỷ lệ xe ô tô chưa sử dụng thẻ thu phí không dừng ETC vẫn còn nhiều. Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là tuyến có tỷ lệ tăng trưởng số xe sử dụng ETC cao nhất nhưng hiện số xe có thẻ ETC vẫn chưa đến 70% lưu lượng.

Do đó, trong thời gian đầu thực hiện thí điểm, VIDIFI kiến nghị vẫn bố trí đủ nhân viên thu phí tại các làn thu phí để xử lý, tránh ùn tắc. Với trên 30% xe chưa có thẻ ETC lưu thông trên tuyến, sau ngày 1/6 phần lớn số xe này sẽ thay đổi hành trình khác, lưu lượng và doanh thu trên tuyến đường sẽ có sự sụt giảm, ảnh hưởng đến phương án tài chính, vì vậy Bộ GTVT và Tổng cục ĐBVN cần có sự chia sẻ với nhà đầu tư.

MỚI - NÓNG