Cao tốc đường bộ, đường sắt: Ưu tiên dự án nào trước?

Phát triển đường bộ cao tốc liệu có là xu hướng và hiệu quả trong tương lai?
Phát triển đường bộ cao tốc liệu có là xu hướng và hiệu quả trong tương lai?
TP - Tại báo cáo phát triển Việt Nam 2019 vừa được công bố, các chuyên gia từ  Ngân hàng Thế giới cho rằng, việc phát triển hệ thống giao thông nhằm kết nối vận tải trong nước và thế giới là một trong những chìa khóa giúp Việt Nam hội nhập tốt hơn.

Ngày 15/1, tại Lễ công bố Báo cáo phát triển Việt Nam 2019 với chủ đề kết nối vì phát triển và thịnh vượng, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra bức tranh tổng quan về kết nối giao thông của Việt Nam. Theo đó, kết nối giao thông nhằm hỗ trợ 3 mục tiêu phát triển quan trọng của Việt Nam gồm: Hội nhập, tăng trưởng bao trùm và khả năng chống chịu.

Theo WB, phát triển hạ tầng kết nối và logistics hiệu quả đóng vai trò quan trọng nhằm giảm chi phí thương mại và giúp Việt Nam hội nhập hơn nữa với thị trường quốc tế và nội địa.

“Sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình thương mại quốc tế và tiêu dùng nội địa cùng với rủi ro thiên tai ngày càng tăng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu kết nối trong tương lai của Việt Nam… Nâng cấp hệ thống kết nối, không chỉ bao gồm kết cấu hạ tầng mà còn cả dịch vụ vận tải và logistics, bằng chính sách và đầu tư đúng sẽ giúp Việt Nam tiến xa hơn trong tăng cường hội nhập, phát triển bao trùm và nâng cao khả năng chống chịu”, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết.

Phát biểu tại lễ công bố  báo cáo phát triển, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, giao thông vận tải không chỉ “đi trước mở đường” mà còn phục vụ thương mại hoá. Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, các chuyên gia phần lớn chỉ nói đến kết cấu theo chiều Bắc - Nam. Trong khi đó, theo trục này, Việt Nam đã có đường sắt Bắc - Nam, quốc lộ 1A, đường mòn Hồ Chí Minh, đã và đang hoàn thiện đường bộ ven biển và tương lai có dự án đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc theo hướng Bắc - Nam.

“Việt Nam mong muốn có nghiên cứu theo hướng kết nối Đông - Tây để có thể phát triển mạnh mẽ kinh tế biển, du lịch biển theo chiến lược phát triển kinh tế biển đã được công bố. Chính phủ Việt Nam mong các chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới có thêm nghiên cứu giải pháp để thúc đẩy kết nối giao thông cả trong nước và quốc tế”, Phó Thủ tướng cho biết.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cơ quan chức năng giải bài toán về vận tải đa phương thức ở Việt Nam.Dù có nhiều lợi thế nhưng Việt Nam chưa tận dụng hết. Ví dụ, ở Đồng bằng sông Cửu Long cứ 1 km2 diện tích đất đai có 0,8 km chiều dài sông suối và kênh rạch. Nhưng đầu tư cho đường thuỷ nội địa ở khu vực này rất thấp. Hiệu quả của các dự án đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu.

Phó Thủ tướng cũng nêu ra vấn đề, sắp tới sẽ thảo luận về việc ưu tiên thực hiện trước dự án đường bộ cao tốc hay đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Theo Phó Thủ tướng, đường sắt cao tốc chỉ có thể vận tải hành khách và nhiều nước không tập trung phát triển về đường sắt cao tốc mà tập trung phát triển vận tải đường bộ.Trung Quốc kết nối đường cao tốc đến tận các huyện.Trong khi, Việt Nam chỉ có vài nghìn km đường cao tốc, chưa nói đến kết nối hết các tỉnh thành trong cả nước.

“Trong bối cảnh tài khoá 5 năm tới, chúng ta sẽ ưu tiên phát triển loại hình nào? Chúng ta bỏ ra vài chục tỷ USD để làm đường sắt cao tốc và có cạnh tranh được với hàng không, nhất là hàng không giá rẻ hay không? Chi phí đắt đỏ và cạnh tranh, cái gì cần thiết hơn. Tôi không nói là không làm đường sắt cao tốc nhưng tính toán, tiến độ và hiệu quả cho Việt Nam như thế nào?”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề với các chuyên gia.

“Chúng ta phải tính toán cho bài toán nhu cầu hạ tầng lớn trong bối cảnh nguồn lực có hạn. Vì vậy, bộ ngành, cơ quan chức năng phải đưa ra chính sách ưu tiên về hạ tầng như thế nào cho phù hợp, nhằm góp phần thúc đẩy thương mại, phát triển kinh tế”. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ  yêu cầu.

MỚI - NÓNG