Cảnh sát Thái Lan sẵn sàng cho 'Ngày đóng cửa'

Cảnh sát Thái Lan được triển khai tại Bangkok ngày 12.1 - Ảnh: Minh Quang (Thanh Niên)
Cảnh sát Thái Lan được triển khai tại Bangkok ngày 12.1 - Ảnh: Minh Quang (Thanh Niên)
Cả phe chống đối lẫn lực lượng an ninh Thái Lan đều lên kế hoạch sẵn sàng cho ngày đại biểu tình “đóng cửa Bangkok”.

Chiều 12/1, người biểu tình rầm rộ kéo đến những địa điểm được lãnh đạo phe này lên kế hoạch phong tỏa bắt đầu từ hôm nay 13.1. Họ tập trung hò hét và dựng rào chắn chặn các ngả đường hướng vào những khu vực này nhưng chưa làm gì gây bạo động vì còn chờ lệnh của thủ lĩnh.

Đúng 9 giờ sáng nay, phe biểu tình sẽ chính thức kéo đến 7 địa điểm được cho là huyết mạch của Bangkok, bao gồm nhiều trung tâm thương mại và hành chính của thủ đô Thái Lan. Hàng trăm ngàn người từ các tỉnh đã có mặt để tham gia chiến dịch “đóng cửa Bangkok”.

Cảnh sát Thái Lan hôm qua thông báo sẽ lập chốt canh giữ ở 7 khu vực này để sẵn sàng ứng phó trong trường hợp xảy ra bạo động. Khoảng 12.000 nhân viên công lực không trang bị vũ khí ngoại trừ áo giáp, gậy và khiên cùng 8.000 binh sĩ đã được huy động để giữ gìn an ninh. Cảnh sát cũng lập 4 điểm tiếp nhận trực thăng để đưa đón các nạn nhân và người bệnh trong trường hợp khẩn cấp. Để đảm bảo an toàn, cảnh sát ra lệnh cấm người dân đến khu biểu tình. Đội cứu thương gồm 8.000 người ở các bệnh viện cũng đã sẵn sàng ứng cứu khi cần.

Ngày 12.1, Thị trưởng Bangkok Sukhumbhand Paribatra kêu gọi người biểu tình không gây bạo động, không ngăn chặn xe cứu thương cũng như không phá hoại tài sản. Đây là lần đầu tiên ông này lên tiếng kể từ khi bùng nổ đợt biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan. Phe thân chính phủ cáo buộc ông Sukhumbhand ủng hộ phe biểu tình, cấp phương tiện và thực phẩm cho họ. Thị trưởng Bangkok đã bác bỏ mọi chỉ trích nhưng vẫn không thoát được nghi ngờ vì ông là thành viên đảng Dân chủ đối lập.

Người dân Thái Lan đang hồi hộp dõi theo những diễn biến xảy ra ở Bangkok trong hôm nay, nhất là khi vừa xảy ra một vụ nổ súng chưa rõ thủ phạm làm nhiều người bị thương.

Trả lời phóng viên, chị Tanutcha cho biết vẫn sẽ đi làm bình thường dù văn phòng của chị nằm trong 7 điểm chính sẽ bị chiếm đóng. “Điều tôi lo lắng là bạo động có thể xảy ra như hồi năm 2010. Lúc đó không ai nghĩ sẽ có bạo lực nhưng kết cuộc thật kinh hoàng. Lần này không ai dám chắc chuyện gì sẽ xảy ra”, chị Tanutcha lo lắng nói.

Thủ tướng Yingluck Shinawatra cho biết sẽ không ở tư gia mà đến trụ sở Cảnh sát quốc gia để theo dõi diễn biến. Bà vẫn khẳng định không từ chức cũng như không thay đổi ngày bầu cử, dự kiến 2.2, như yêu cầu của phe biểu tình và Ủy ban Bầu cử quốc gia. Tối qua, phe biểu tình đe dọa bà Yingluck “nên tìm đường thoát thân trước” vì họ sẽ bao vây Bangkok. Thủ lĩnh Suthep Thaugsuban còn tuyên bố “trận đánh này nhất định sẽ thắng”. Trước đó, có nguồn tin nói phe biểu tình đang thắt chặt việc bảo vệ Suthep vì nhiều người đang muốn “lấy đầu” ông này.

Theo Minh Quang
(VP Bangkok)
Theo Thanh Niên
MỚI - NÓNG