Lãnh đạo lực lượng cảnh sát Thái Lan Adul Saengsingkaew cho biết, hầu hết nạn nhân là người biểu tình và cảnh sát đang điều tra xem các tay súng là ai. Xô xát giữa đám đông biểu tình và những người ủng hộ chính phủ ngày 10/1 khiến ít nhất 6 người bị thương.
Giới chức Thái Lan thông báo sẽ triển khai hơn 14.000 binh sĩ và cảnh sát vào ngày 13/1 ở Bangkok, bao gồm cảnh sát ở sân bay chính, để duy trì an ninh, trật tự đường phố.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon hôm qua nói với báo giới: “Tôi rất lo ngại rằng, tình hình có thể leo thang trong những ngày tới, đặc biệt vào thứ Hai - thời điểm người biểu tình tuyên bố sẽ làm tê liệt Bangkok. Tôi hối thúc tất cả các bên liên quan kiềm chế, tránh gây hấn và giải quyết bất đồng một cách hòa bình thông qua đối thoại”.
Ngày 11/1, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra kêu gọi quân đội làm trung gian đàm phán với lực lượng biểu tình.
Cùng ngày, đảng cầm quyền đề nghị Ủy ban Bầu cử Quốc gia ngày 2/2 vẫn tổ chức bầu cử ở 28 khu vực mà các ứng viên chưa thể đăng ký được vì liên tục bị người biểu tình ngăn cản.
Nhiều người Thái Lan tin quân đội sẽ sớm can thiệp để giải quyết tình trạng bế tắc chính trị hiện nay, một số cho rằng đảo chính có thể xảy ra. Trong 81 năm qua, quân đội đã đảo chính hoặc âm mưu đảo chính 18 lần, nhưng lần này vẫn đang cố gắng duy trì sự trung lập.