'Canh me' bợm nhậu

'Canh me' bợm nhậu
TP - Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội và một số địa phương lập chốt kiểm tra nồng độ cồn ngay tại các tụ điểm ăn nhậu, xét về lý, chẳng có gì sai.

> Uống rượu bia, lái xe phải học lại luật 

Tai nạn giao thông được nói là đã cướp đi trên dưới 11.000 sinh mạng mỗi năm, hơn bất cứ thiên tai địch họa nào trong thời buổi hiện đại.Trong các nguyên nhân gây tai nạn, sử dụng rượu, bia khi lái xe được cho là một nguyên nhân cơ bản. Với các vụ tai nạn có dấu hiệu sử dụng rượu bia được thông tin tràn các mặt báo, chuyện cơ quan chức năng sử dụng biện pháp mạnh nói trên nghe qua thấy khá hợp lý.

Tuy nhiên, việc lập chốt, phạt nóng này có bền bỉ, kiên trì, trường kỳ cho đến khi thay đổi được nhận thức, hành vi hay không, khó ai dám chắc.

Chỉ đơn cử như chuyện bắt buộc đội mũ bảo hiểm, đơn giản và hợp lẽ hơn nhiều chuyện xử người ăn nhậu nói trên mà xã hội mất bao nhiêu thời gian, công sức nhưng cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn thực sự tạo ra thói quen đội mũ bảo hiểm. Việc lập chốt ngay cạnh quán nhậu, cũng dẫn tới tình trạng đối phó với lực lượng chức năng bằng cách này hay cách khác, như họ từng đối phó mũ bảo hiểm, chứ khó thay đổi hành vi của dân ăn nhậu.

Hơn thế, ngay cả cách thực hiện việc kiểm tra nồng độ cồn khi rời quán nhậu cũng không ổn. Chưa kể việc này có gì đó kém văn minh, riêng chuyện phạt xong cho… đi tiếp đã khiến người dân có cảm giác CSGT phạt để lấy tiền phạt chứ không thực sự mang mục đích răn đe (vì có ai tỉnh bia, rượu ngay sau khi nộp phạt đâu).

Đó là còn chưa tính đến việc, tình trạng lạm dụng bia rượu diễn ra khắp nơi, từ vùng nông thôn hẻo lánh phía Bắc đến các tỉnh cực Nam đất nước. Người ta uống bia rượu trong nhà, ngoài phố, từ nông thôn ra thành thị. Phương cách lập chốt, phạt nóng gần vài ba quán nhậu ở Hà Nội có thể thay đổi được tình thế? Chắc chắn là không. Và nếu có “nhân rộng mô hình” thì huy động bao nhiêu cảnh sát cho đủ?

Câu chuyện nói trên khiến tôi nhớ đến việc, ở một huyện ven biển Nam Định, nạn mại dâm tồn tại hàng chục năm, có lúc đã được coi là điểm nóng, một “vết nhơ” của tỉnh này. Tình hình từng căng thẳng đến mức một lãnh đạo tỉnh đã ra lệnh cho các lực lượng chức năng “yêu cầu dựng hết giường trong các nhà hàng, quán trọ ở vùng biển nọ lên, phát hiện nhà ai còn kê giường ở buồng trong sẽ phạt nặng”. Không những biện pháp này rất kỳ cục và vô lý mà chẳng mấy phát huy tác dụng, vì mấu chốt của vấn đề không phải ở mấy cái giường.

Trở lại chuyện lập chốt bên quán nhậu. Có thể chia sẻ nỗi bức xúc với tình trạng tai nạn giao thông như hiện nay, cơ quan chức năng không thể ngồi yên và rõ ràng, ý thức của người dân là yếu tố quan trọng nhất trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Nhưng ý thức đó, không đến trong ngày một ngày hai, không đến trong sự cưỡng bách mà phải bắt nguồn từ nhận thức tự thân của mỗi người. Chỉ khi nào pháp luật, vốn là hệ thống được sinh ra để phục vụ con người, giúp mỗi công dân tự mình hướng đến điều thiện, tự mình điều chỉnh hành vi, nhận thức của người dân mới có điều kiện hình thành một cách đầy đủ và tự giác.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG