Cảnh đối lập trong thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong khi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bàn giao gần xong mặt bằng, chỉ còn lại 4 hộ dân ở thị xã Phú Mỹ thì tỉnh Đồng Nai vẫn chưa hoàn thành công tác kiểm đếm.

Nơi sắp hoàn thành

TP. Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vừa có báo cáo tổng kết công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, đoạn qua địa phương này.

Ông Trần Thanh Dũng, Chủ tịch UBND TP. Bà Rịa cho biết, để bàn giao mặt bằng cho dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, TP. Bà Rịa đã ban hành quyết định thu hồi đất của 151 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức với diện tích gần 22 ha và quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường 318 tỷ đồng.

Hiện tại, toàn bộ các trường hợp trên địa bàn thành phố có đất thu hồi đã tháo dỡ nhà cửa, di dời vật kiến trúc, bàn giao mặt bằng cho dự án. Trong đó, 149 trường hợp đã nhận tiền đền bù, còn lại 1 hộ ở xa chưa sắp xếp được thời gian nhận và 1 trường hợp đang chờ duyệt kinh phí bổ sung.

Cảnh đối lập trong thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu ảnh 1

Dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ hoàn thành sớm hơn kế hoạch 3 tháng.

Dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có 20 trường hợp với 29 lô đất tái định cư. TP.Bà Rịa đã bố trí tại khu tái định cư xã Hòa Long và phường Long Tâm, đúng với chủ trương chung là nơi ở mới có điều kiện tốt hơn nơi cũ nên toàn bộ các trường hợp đều đã đồng ý nhận đất.

Tại thị xã Phú Mỹ, ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, hiện chỉ còn 4 hộ chưa bàn giao mặt bằng. Bốn hộ này diện tích còn lại không nhiều, dự kiến trong tháng 4/2024, công tác thu hồi đất cũng sẽ hoàn thành 100%. Thị xã Phú Mỹ cũng đã chuẩn bị chu đáo về tái định cư cho người dân, đảm bảo người dân nhường đất làm dự án có nơi ở ổn định, an cư lạc nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Trình, Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông khu vực Cảng Cái Mép - Thị Vải cho biết, dự án gồm một gói thầu xây lắp (gói thầu số 11 - xây lắp và thiết bị) do liên danh nhà thầu Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải - Công ty CP 479 Hòa Bình - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 703 thi công. Dự kiến, dự án thành phần 3 sẽ hoàn thành sớm hơn kế hoạch 3 tháng.

Đến nay, trên toàn tuyến (chiều dài 19,5 km, có 11 cầu và 1 hầm chui dân sinh), liên danh 3 nhà thầu đang đồng loạt triển khai nhiều mũi thi công. Liên danh các nhà thầu huy động 350 thiết bị và 500 nhân sự triển khai 15 mũi thi công.

Nơi ngổn ngang

Tại Đồng Nai, Ban quản lý dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai cho biết, đoạn dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi qua địa bàn huyện Long Thành đã được ban hành 2.481 thông báo thu hồi đất. 112 thửa đất còn lại chưa đủ thông tin chủ đất.

Cảnh đối lập trong thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu ảnh 2

Dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có tình cảnh trái ngược, phía Bà Rịa - Vũng Tàu đã thi công còn phía Đồng Nai thì chưa giải phóng xong mặt bằng.

Theo UBND huyện Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi qua địa bàn dài khoảng 28 km, tổng diện tích đất cần thu hồi để thực hiện dự án gần 230 ha. Đến nay, UBND huyện Long Thành đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 115 trường hợp với diện tích hơn 60 ha. Địa phương cũng đã bàn giao cho các chủ đầu tư khoảng 27 ha để triển khai thi công.

Đối với đoạn tuyến qua TP. Biên Hòa (khoảng 6 km), Ban quản lý dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai cho biết, TP.Biên Hòa đã phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ cho 34 trường hợp với diện tích hơn 6 ha và niêm yết phương án bồi thường, hỗ trợ đối với 51 trường hợp.

Tính đến giữa tháng 3/2024, tổng diện tích đất đã bàn giao trên thực địa cho chủ đầu tư thi công dự án là 10,5 ha. Khó khăn nhất hiện nay trong công tác giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là việc xác định nguồn gốc các thửa đất và quy chủ một số thửa đất trên địa bàn Biên Hòa, ranh bản đồ thu hồi đất tại một số thửa đất trên địa bàn huyện Long Thành có sự thay đổi phải điều chỉnh.

Đánh giá về tiến độ công tác giải phóng mặt bằng dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho rằng còn rất chậm. Đến thời điểm này vẫn chưa hoàn thành công tác kiểm đếm. Do đó, các đơn vị phải xây dựng quy chế phối hợp, cụ thể hóa bằng quy trình thực hiện, trong đó xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân. Tránh tình trạng “đủng đỉnh” trong thực hiện các nhiệm vụ làm chậm tiến độ chung của toàn dự án.

Cảnh đối lập trong thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu ảnh 3

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu phải cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Theo quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, địa phương đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trước ngày 30/6, tinh thần làm việc khẩn trương, không quản ngại thứ Bảy, Chủ nhật.

Đối với vướng mắc trong phối hợp giữa Ban quản lý dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai và UBND phường Phước Tân, ông Đức chỉ đạo Sở Nội vụ thanh tra công vụ để xử lý cán bộ. Nếu việc phối hợp không tốt do phường thì Sở Nội vụ tham mưu ngay quyết định điều động Chủ tịch UBND phường đi chỗ khác để cán bộ khác lên thay.

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài 53,7 km (đoạn qua tỉnh Đồng Nai 34,2 km, qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 19,5 km), vận tốc thiết kế 100 km/h, quy mô giai đoạn 1 là 4 - 6 làn xe. Giai đoạn hoàn thiện, mở rộng có quy mô 6 - 8 làn xe.

Tổng mức đầu tư của dự án là gần 18.000 tỷ đồng, gồm 3 dự án thành phần. Thời gian thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành trong năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Trong đó, dự án thành phần 1 dài 16 km, do UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ quản với tổng mức đầu tư 6.012 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 dài hơn 18 km, do Bộ Giao thông Vận tải làm cơ quan chủ quản với tổng mức đầu tư 6.852 tỷ đồng. Còn dự án thành phần 3 dài khoảng 19,5 km do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan chủ quản có tổng mức đầu tư là 4.964 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.