Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), trong năm 2016 cả nước xảy ra 3.006 vụ cháy, làm chết 98 người, bị thương 180 người, thiệt hại tài sản hơn 1.240 tỷ đồng và 1.829 ha rừng. Ngoài ra, xảy ra 23 vụ nổ làm thương vong 55 người. So với cùng kỳ năm 2015, số vụ cháy tăng 214 vụ, 36 người chết, số người bị thương giảm 84 người, thiệt hại về tài sản giảm 258 tỷ đồng…
Đặc biệt, trong tháng 11/2016, cả nước xảy ra 176 vụ cháy làm chết 15 người, 11 người bị thương, thiệt hại hơn 11 tỷ đồng. Theo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, nguyên nhân xảy cháy chủ yếu do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện, sơ suất trong sử dụng nguồn lửa, xăng dầu, khí đốt...
Vì sao cuối năm cháy nhiều?
Theo phân tích của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, dịp cuối năm là thời điểm giữa mùa khô, rất dễ xảy ra cháy. Đây cũng là dịp các cơ sở sản xuất, chợ, trung tâm thương mại tập trung nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu... Nhu cầu sử dụng lửa, điện và nhiên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng cao và việc tăng ca, tăng thiết bị sản xuất trong khi hệ thống điện không thay đổi dẫn đến quá tải, chập mạch gây cháy. Việc sử dụng lửa, điện, khí đốt hóa lỏng, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã phục vụ sinh hoạt trong dịp Tết tại các gia đình cũng tăng ca.
Theo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, một số người đứng đầu cơ sở, chính quyền địa phương, chủ hộ gia đình chưa nhận thức hết trách nhiệm của mình trong công tác PCCC, chưa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về PCCC, thiếu quan tâm đến việc tổ chức công tác PCCC nên còn nhiều vi phạm, dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Nhiều đơn vị tự ý thay đổi công năng sử dụng của công trình nhưng không báo cho cơ quan PCCC, làm tăng nguy cơ xảy cháy… Thêm vào đó, ý thức, kiến thức PCCC của cán bộ, công nhân viên, người lao động, người dân và lực lượng PCCC tại chỗ còn nhiều hạn chế.
“Tại các khu dân cư, kể cả các chung cư cao tầng hiện đại, việc vi phạm các quy định an toàn PCCC trong quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt... rất phổ biến. Ở các đô thị phổ biến là nhà ống mặt phố, nhà liền kề, chỉ có một lối thoát nạn duy nhất lại bị che chắn bởi hàng hóa nên khi xảy ra cháy ở tầng một, lối thoát nạn bị chặn mất, khói bốc lên các tầng trên gây ra những cái chết thương tâm. Nhiều khu phố cổ, khu dân cư bàn cờ ngõ sâu hun hút lại nhỏ hẹp, khi xảy cháy gây rất nhiều khó khăn cho công tác thoát nạn và chữa cháy” - Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết.
Cần làm gì hạn chế cháy nổ
Theo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, các cấp, các ngành, các đơn vị, cơ sở, cần tổ chức tốt hoạt động PCCC và CNCH tại chỗ, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC; thường xuyên và định kỳ tự kiểm tra an toàn PCCC; xây dựng và củng cố hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ; chuẩn bị phương án thoát nạn cho người và tài sản khi cháy xảy ra. Các hộ gia đình cần đảm bảo và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC; chuẩn bị các phương án thoát nạn và hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình cùng biết; cẩn trọng khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã…
Cũng theo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, tại các khu dân cư tập trung nhiều nhà dễ cháy, UBND địa phương cần nghiên cứu, tìm hiểu để nắm nhiệm vụ và trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC; tổ chức thành lập và vận động nhân dân tham gia đội dân phòng và xây dựng các phương án chữa cháy; xây dựng cơ chế phối hợp với các lực lượng (Cảnh sát PCCC, Công an, Điện lực, cấp nước, y tế...). Đối với các khu vực có nguồn nước tự nhiên, phải xây dựng các bến lấy nước, hố ga lấy nước để phục vụ công tác chữa cháy…
Theo phân tích của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, dịp cuối năm là thời điểm giữa mùa khô, rất dễ xảy ra cháy. Đây cũng là dịp các cơ sở sản xuất, chợ, trung tâm thương mại tập trung nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu... Nhu cầu sử dụng lửa, điện và nhiên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng cao và việc tăng ca, tăng thiết bị sản xuất trong khi hệ thống điện không thay đổi dẫn đến quá tải, chập mạch gây cháy.