Sáng 7/12, tại phiên chất vấn HĐND thành phố, liên quan đến vấn đề PCCC, báo cáo của UBND thành phố cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn có tổng số 1.075 nhà, công trình cao tầng, trong đó có 232 công trình tồn tại vi phạm quy định về PCCC. Nhiều đại biểu tập trung chất vấn các vấn đề PCCC, đặc biệt là trách nhiệm liên quan trong vụ cháy quán karaoke trên phố Trần Thái Tông (Cầu Giấy) làm 13 người chết.
Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an thành phố cho biết, đây là cơ sở đang trong giai đoạn làm thủ tục chờ cấp giấy phép và ngành công an cũng chưa nhận được thủ tục hồ sơ để cấp phép. Theo ông Khương, sau sự cố, Công an thành phố cũng đã họp kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm từng cá nhân có liên quan trong đó có Công an quận Cầu Giấy và Công an phường.
Trao đổi thêm về trách nhiệm của đơn vị mình, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội cho hay, sau vụ cháy, đơn vị đã nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm đối với trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 3 và đội phó phụ trách kiểm tra hướng dẫn, cảnh sát phụ trách địa bàn cơ sở. Đơn vị cũng tính đến luân chuyển địa bàn để đảm bảo khách quan và trách nhiệm cao nhất.
Theo ông Định, trong năm 2016 mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng sau vụ cháy nghiêm trọng, đơn vị này đã tự rút các danh hiệu thi đua, bằng khen mà đáng ra có thể đề xuất cho các cá nhân, tập thể. Về năng lực chuyên môn, ông Định cho rằng, lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội ra đời và hoạt động được 5 năm với nhiều khó khăn, thách thức. “Nhưng 5 năm vẫn chỉ là xuất phát điểm nền tảng, còn yếu. Đa số các đơn vị đều ở nhà tạm, nhà thuê, còn chưa có xây dựng quy mô, cơ bản, điều kiện tập luyện phụ thuộc vào đi thuê, mượn”, ông Định nói. Bên cạnh đó, ông Định cho biết dù lực lượng có tiến bộ nhưng chất lượng vẫn còn hạn chế.
Liên quan đến xử lý trách nhiệm sau vụ cháy, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao cho biết, Sở đã kiểm điểm trách nhiệm Đảng ủy và Giám đốc Sở, Giám đốc Sở đã kiểm điểm hai cơ quan là Phòng Văn hóa và Thanh tra Sở. Đặc biệt kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân phụ trách địa bàn.
Theo ông Động, hoạt động karaoke là một hoạt động nhạy cảm và luôn bị các cơ sở kinh doanh lợi dụng, tiềm ẩn nhiều rủi ro cháy nổ, an toàn, ma túy và mại dâm. “Công tác thanh tra loại hình kinh doanh này đang gặp khó khăn do chủ kinh doanh lách luật. Mỗi lần chúng tôi đi thanh tra, nhiều cơ sở đã biết trước nên rất sạch sẽ nhưng sau đó lại vi phạm. Mức phạt cũng nhẹ nên chủ cơ sở kinh doanh sẵn sàng nộp phạt để tiếp tục được kinh doanh”, ông Động nói.