Căng thẳng leo thang, Nga có thể xem xét thay đổi học thuyết hạt nhân

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cảnh báo Mátxcơva có khả năng thực hiện những thay đổi lớn về học thuyết hạt nhân nếu “các hoạt động leo thang của Mỹ và đồng minh” buộc nước này phải làm vậy.
Căng thẳng leo thang, Nga có thể xem xét thay đổi học thuyết hạt nhân ảnh 1

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov. Ảnh: Tass

Trả lời các phóng viên bên lề cuộc họp cấp bộ trưởng BRICS ở Nizhny Novgorod, Thứ trưởng Ryabkov thừa nhận tình hình quốc tế ngày càng trở nên “phức tạp” và Nga không loại trừ khả năng thay đổi học thuyết hạt nhân.

“Những thách thức đang gia tăng do hoạt động leo thang của Mỹ cùng các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chắc chắn đặt ra câu hỏi về việc làm thế nào để điều chỉnh các tài liệu răn đe hạt nhân cho phù hợp hơn với nhu cầu hiện tại”, ông Ryabkov nói.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga từ chối giải thích chi tiết về các điều khoản có thể được sửa đổi, giải thích rằng Mátxcơva “không có thói quen che giấu về những thay đổi có thể được thực hiện” trước khi đưa ra quyết định chính thức.

Nhận xét này được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa nhắc lại lập trường của Mátxcơva về vũ khí hạt nhân.

Phát biểu trong phần hỏi đáp tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg (SPIEF) tuần trước, tổng thống Putin nhấn mạnh Nga chưa bao giờ là nước khơi mào sử dụng biện pháp hạt nhân hung hãn.

Ông Putin giải thích học thuyết hạt nhân hiện tại của Nga chỉ cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong “các trường hợp đặc biệt” và tình hình hiện tại chưa thực sự đến mức đó.

Tổng thống Nga bày tỏ hy vọng một cuộc chiến tranh hạt nhân tổng lực sẽ không nổ ra, đồng thời nói thêm rằng một cuộc xung đột như vậy sẽ dẫn đến “thương vong vô hạn” cho tất cả mọi người.

Tổng thống Putin cũng cảnh báo các quốc gia Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu về những lời lẽ và hành động ngày càng hiếu chiến, có thể khiến họ phải chịu tổn thất nặng nề trong trường hợp xảy ra xung đột hạt nhân toàn cầu.

Theo RT
MỚI - NÓNG