Theo Thủ tướng, cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng, có vị trí quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm phát triển ngành cơ khí, đặc biệt là cơ khí chế tạo. Nhìn lại 10 năm qua, ngành cơ khí đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả trong phát triển. Giá trị của cơ khí chế tạo, xuất khẩu liên tục tăng; sức cạnh tranh của các sản phẩm cơ khí ở thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu không ngừng được nâng lên.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, so với yêu cầu, tiềm năng, lợi thế, những kết quả đạt được của ngành cơ khí còn chưa được như mong muốn, chưa đạt được mục tiêu đề ra. “Là một quốc gia nông nghiệp, song các sản phẩm cơ khí máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp còn ít”, Thủ tướng nói.
Đề cập tới nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm việc rà soát, xây dựng chiến lược quy hoạch của ngành cơ khí. Xác định lĩnh vực, sản phẩm cơ khí ưu tiên, nhất là sản xuất máy phục vụ phát triển nông nghiệp, khai thác đánh bắt thủy hải sản, chế biến thủy sản, các thiết bị cho vận tải...
Ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, các chỉ tiêu về sản xuất, kinh doanh của ngành cơ khí trong 10 năm qua tuy năm sau cao hơn năm trước nhưng khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước thấp hơn Chiến lược đề ra. Tỷ lệ giá trị xuất khẩu cơ khí trên tổng giá trị ngành cơ khí (năm 2012) chỉ đạt 34,71%. “Tuy nhiên, giá trị nhập khẩu ngành cơ khí năm 2012 là 22,640 tỷ USD, cao gấp hai lần giá trị xuất khẩu tới 12,1 tỷ USD. Điều đó cho thấy, ngành cơ khí cần nỗ lực hơn nữa để từng bước giảm nhập siêu”, ông Quang nói.
Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí cho biết, nguyên nhân thất bại của Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam là do nhiều dự án vốn đầu tư phải vay từ nước ngoài. Thông thường, các nước cho vay có những điều kiện nhất định như phải mua thiết bị hoặc không bảo hộ cho các nhà chế tạo thiết bị trong nước.