Cẩn trọng với thảo dược bán dạo

TP - Gần đây, tại TPHCM nhiều loại cây cỏ được người bán quảng cáo là thảo dược chữa bách bệnh, bán kiểu đổ đống, kéo lê ngoài đường phố…

Thảo dược đổ đống vỉa hè

Lợi dụng các hội chợ có uy tín, nhiều gian hàng thuốc đông y, thuốc gia truyền chen chân vào bán hàng. Tại Festival tổ chức ở công viên Gia Định (Q. Gò Vấp, TPHCM) gần đây, gian hàng thuốc “gia truyền dân tộc Dao Ba Vì” của một người tự xưng lương y thu hút khá đông khách nữ. Vừa than thở mặt có nhiều mụn, người này bảo do nóng gan, nóng thận nên cho gói chữa nóng gan thận… để trị mụn.

Quan sát gói thuốc nhỏ bằng bàn tay đã được nghiền nát như cám, bao nhựa đóng gói bằng cách hơ lửa và có dấu hiệu tháo gỡ nhiều lần. Bên trên có tờ giấy hướng dẫn sử dụng rất sơ sài. Thành phần gói thuốc có râu ngô, bông mã đề, giảo cổ lam, cà gai leo, diệp hạ châu và một số thuốc dân tộc khác; thời hạn sử dụng một năm, giá 70.000 đồng/gói. Ngoài ra không có đơn vị nào chứng nhận, cấp phép. Hỏi “nếu uống thuốc mà thấy hiệu quả thì làm sao mua tiếp?”, đáp “hội chợ nào ở TPHCM mình cũng đều tham gia. Bạn muốn mua thuốc chỉ cần gọi điện thoại là mình sẽ giao hàng tận nơi”. Thấy tôi chần chừ, lương y này nhanh chóng hạ giá: “50.000 đồng/gói. Thuốc này mình tự bào chế nên bạn yên tâm, nhiều người mua uống hết bệnh lắm rồi”. Khi chúng tôi liên hệ với số điện thoại của người đứng tên lương y V.T.H đều không liên lạc được.

Cẩn trọng với thảo dược bán dạo ảnh 1

Nhiều loại thuốc đổ đống lề đường với quảng cáo trị bá bệnh.

Gần đây, TPHCM thường xuất hiện đội quân bán thảo dược dạo đưa hàng đến tận các hang cùng ngõ hẻm, vào tận nhà dân chào mời. Từng bọc thuốc khô đã được xắt lát, không có bất cứ thông tin gì, được bán với giá từ 70.000 đồng – 100.000 đồng/bọc. Người bán cho tất cả các bọc cây khô lên xe kéo dọc các con phố nhỏ rao hàng. Chị Hải (ngụ Q. Bình Tân) kể: “Nghe người bán giới thiệu bịch cây nhân sâm này chỉ cần đem sao ngâm rượu hoặc nấu nước uống thì trị được bá bệnh nên mình mua về uống thử. Thực sự tôi chỉ nghe theo người bán nói thôi chứ rễ cây đã được xắt nhỏ thì làm sao biết có phải nhân sâm thật hay không. Để nguyên cây còn không biết, giờ xắt lát nữa thì… chịu thua”.

Tại góc đường Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp), hàng chục loại “thảo dược” đổ đống, được bày bán trên vỉa hè. Bên cạnh những củ nghệ, củ “sâm” bám đầy đất cát, còn có những lọ bột nghệ, dâu tằm ngâm đường… được pha chế sẵn. Giá mỗi loại từ 80.000 - 100.000 đồng/kg. Trên đường Hòa Bình (Q. Tân Phú) cũng có nhiều điểm bán “dâu tằm Đà Lạt chuyên chữa đau lưng, nhức mỏi, xương khớp, mất ngủ…”, giá 45.000 đồng/kg, thu hút nhiều người mua.

Coi chừng mất mạng

Đem gói thuốc gia truyền dân tộc Dao Ba Vì đến gặp lương y Nguyễn Đức Nghĩa - Phòng khám y dược cổ truyền Tuệ Lãn – Hội Dược liệu TPHCM nhờ xem giúp. Vừa nhìn qua, lương y Nghĩa cho biết: “Thuốc cán thành bột không bao giờ để được một năm dù được bảo quản trong điều kiện tốt đến đâu đi nữa. Đông dược để từng loại thì không sao, nhưng khi đã cán bột và pha trộn nhiều loại với nhau thì phải có tỷ lệ % trên bao bì. Thuốc cũng phải giữ trong bao bì tránh ánh sáng. Trong khi gói thuốc gia truyền này không có các tiêu chuẩn trên, cũng không có thành phần định lượng cụ thể. Đó là chưa kể những chất bột bên trong có phải như thành phần đã ghi hay không. Nếu không đúng, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe rất khó nói trước”.

Mới đây, bạn đọc tên Phương (ngụ Q. Thủ Đức) cho PV báo Tiền Phong hay, gia đình vừa có người phải nhập Viện Y học dân tộc TPHCM do ngộ độc rượu sâm tự ngâm. Theo lời kể, người này mua một bịch củ nhân sâm của người bán dạo đem về ngâm rượu uống chữa nhức mỏi. Chẳng ngờ sau khi uống có biểu hiện tiêu chảy, buồn nôn, khó thở… Sau khi đưa bình rượu sâm đến bác sĩ xem thì mới hay đó không phải củ sâm mà là cây thương lục. Do cây thương lục có hình dáng tương tự củ sâm nên nhiều người cho là nhân sâm. Trong Đông y, thương lục là loại cây có độc ở tất cả các bộ phận. Nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy trong rễ củ, quả, lá… thương lục có một chất độc, đắng, gọi là phytolaccatoxin. Khi ăn phải lượng nhiều sẽ có cảm giác tê môi, đầu lưỡi, đau bụng, vã mồ hôi, giãn đồng tử, tăng tiết đờm nhớt, nôn mửa, tụt huyết áp, co giật, liệt hô hấp, hôn mê và có thể tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Trao đổi với BS Trần Văn Năm -  Nguyên Phó viện trưởng Viện Y học dân tộc TPHCM, ông nói: “Phơi thuốc ngoài nắng mưa nhiều ngày, lưu trữ trong môi trường không đạt yêu cầu (độ ẩm cao, nhiệt độ quá nóng, nấm mốc)… sẽ không còn hoạt chất nên chắc chắn không có tác dụng điều trị bệnh. Mỗi loại thảo dược có giá trị trị bệnh khác nhau nhưng để trở thành thuốc, các nguyên liệu này cần phải qua những công đoạn nuôi trồng tốt, thu hoạch, bảo quản, bào chế đúng cách. Trường hợp người sản xuất chạy theo lợi nhuận thì khả năng nguyên liệu thuốc bị nhiễm độc trong quá trình nuôi trồng rất cao và khó kiểm soát. Biến chứng khi dùng thuốc không đạt chất lượng, trước hết sẽ không có tác dụng trị bệnh, nấm mốc sẽ gây nhiều bệnh nguy hiểm cho cơ thể. Các loại biến chứng có thể xảy ra như sử dụng nhầm lẫn và quá liều với cây thuốc có độc tính, lãng phí thời gian đối với những bệnh cần chữa trị sớm, hoặc mang nhãn hiệu thuốc đông dược nhưng có trộn lẫn thuốc tân dược có hại…”.

Những loại được đổ đống bán như vậy khó có thể xác định đó là thảo dược hay không. Việc tự ý pha trộn, sử dụng cây, củ, thuốc gia truyền bày bán ở lề đường, bán dạo có thể gây bệnh và nguy hiểm đến tính mạng nếu trúng phải loại có độc tính. Tốt nhất không nên tự tiện sử dụng thuốc đông y trôi nổi, mà hãy tới các bệnh viện uy tín để được khám, điều trị hợp lý, an toàn, lương y Nguyễn Đức Nghĩa khuyên.

MỚI - NÓNG