Cẩn trọng với loạn thần và trầm cảm sau sinh

Thống kê cho thấy, 5,1% bà mẹ sau sinh bị trầm cảm và 0,5% bị loạn thần. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Thống kê cho thấy, 5,1% bà mẹ sau sinh bị trầm cảm và 0,5% bị loạn thần. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Vụ việc bé trai 33 ngày tuổi ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) nghi bị mẹ thả vào chậu nước dẫn tới tử vong đang gây xôn xao dư luận. Bác sĩ Dương Minh Tâm, Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, những biểu hiện của người mẹ trẻ này giống với bệnh loạn thần sau sinh hơn là trầm cảm sau sinh.

Tiếp nhận nhiều ca bệnh

Sáng ngày 15/6, bác sĩ Tâm đã tiếp nhận 2 ca bệnh loạn thần sau sinh và 1 ca trầm cảm sau sinh. Trong đó có bệnh nhân bị loạn thần khi mới sinh con được hơn chục ngày, một bệnh nhân khác sau khi sinh con 5 tháng. Những bệnh nhân này có tiền sử bị loạn thần từ trước khi sinh con. Với bệnh nhân trầm cảm sau sinh được bác sĩ khám và cho thuốc về nhà uống. Hai bệnh nhân loạn thần sau sinh phải ở lại viện điều trị để kiểm soát hành vi, tránh những hậu quả đáng tiếc mà bệnh nhân có thể gây ra.

Những năm gần đây xuất hiện nhiều bệnh nhân bị trầm cảm sau sinh và có xu thế tăng lên. Có những thống kê cho thấy các bà mẹ trầm cảm sau sinh có hiện tượng giết con, rồi mới tự sát.

Loạn thần sau sinh thường có hành vi nguy hiểm với chính bản thân mình hoặc người xung quanh, còn trầm cảm sau sinh nếu ở mức độ nặng thường có ý nghĩ tự sát. Trước khi tự sát thường giết người thân hoặc giết người có ảnh hưởng trực tiếp đến mình rồi mới tự sát.

Phân biệt loạn thần và trầm cảm sau sinh

Về trường hợp người mẹ trẻ ở Thạch Thất nhận tội giết con, bác sĩ Tâm nhận định: “Hiện tại, với thông tin báo đài đưa tin, không dám đưa ra chắc chắn chẩn đoán gì cho người này, tuy nhiên, tôi thấy không phù hợp lắm với trầm cảm sau sinh. Trầm cảm sau sinh thường người bệnh thấy mệt mỏi, chán chường, buồn bã, người bệnh cố gắng vượt qua, nhưng nếu không vượt qua được mới tìm đến cái chết, nhưng không chết ngay, trước chết họ vẫn còn thương con, thương chồng, mình mất đi rồi thì con mình bơ vơ, không ai chăm, chồng thiệt thòi, vì thế người bệnh không tự sát. Nếu cố gắng mãi không vượt qua được thì tự sát, trước khi tự sát thì họ thường giết con, giết chồng, người thân. Trong trường hợp này bà mẹ chỉ giết con, còn không làm hại mình thì tôi nghĩ là không phải trầm cảm sau sinh. Thứ nữa là bên cạnh việc giết con, người bệnh lại để lại bằng chứng mang tính hận thù liên quan người khác (bố chồng). Thông tin này càng bổ sung, củng cố cho nhận định trường hợp này không phải là trầm cảm sau sinh”.

Bác sĩ Tâm nhận định, có thể người bệnh có loạn thần sau sinh, họ có hoang tưởng, ảo giác. Hoặc là phản ứng tâm lý nhất thời sau sinh, có tức tối, mâu thuẫn làm bệnh nhân bộc phát và có hành động dại dột.

Các triệu chứng trầm cảm điển hình thường tiến triển không rầm rộ nên một số nhà khoa học cho rằng về mặt dịch tễ học khó có thể đánh giá đúng mức. Trên thực tế có thể gặp khoảng 10 - 20% các trường hợp trầm cảm được ghi nhận sau khi người phụ nữ sinh đẻ trong thời gian từ 9 - 15 tháng. Người mẹ sau khi sinh đẻ mắc trầm cảm điển hình có những biểu hiện lâm sàng như: cảm xúc dễ thay đổi, dễ nổi cáu giận, có dấu hiệu suy nhược, có cơn chảy nước mắt; luôn luôn có cảm giác bất lực, quá lo lắng về việc nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái; đôi khi quá cẩn thận, tỉ mỉ trong việc chăm sóc con; cầu kỳ trong việc nuôi dưỡng, cho con ăn uống...

Loạn thần sau sinh liên quan tiền sử gia đình

Loạn thần sau sinh là bệnh lý liên quan trực tiếp đến quá trình thai sản, có thể là nguyên nhân trực tiếp, bệnh nhân tổn thương, thay đổi về mặt hormone, nhiễm độc nên ảnh hưởng đến chức năng não bộ, biểu hiện triệu chứng loạn thần. Hoặc trường hợp thứ 2 là bệnh nhân tiềm ẩn có triệu chứng loạn thần trước đó nhưng không biểu hiện, trong quá trình thai nghén, sinh đẻ làm biến đổi trong cơ thể người bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho một biểu hiện nào đó bộc lộ, bệnh nhân biểu hiện các triệu chứng loạn thần. Trong đó, có các hành động do triệu chứng loạn thần chi phối.

Bác sĩ Tâm cho hay: “Bệnh này có nhiều mức độ khác nhau. Nhưng cốt lõi phụ thuộc vào triệu chứng loạn thần mắc phải. Ví dụ, người bệnh có hoang tưởng là có ai đó rình rập theo dõi giết mình, thì người bệnh sẽ tìm người đó, tiêu diệt người đó trước, trước khi người đó ra tay, hoặc trốn tránh… Một loại nữa là ảo giác nghe có nhiều tiếng nói, xui khiến mình làm gì đó giết con, ăn cắp, đốt nhà thì bệnh nhân lại làm theo lời xui khiến đó. Hành động theo giao dịch ảo giác chi phối. Trong trường hợp này phải thăm khám trực tiếp hay phải theo dõi giám định pháp y mới kết luận chính xác được”.

Nguyên nhân gây nên bệnh lý rối loạn tâm thần thời kỳ sau sinh của người mẹ có thể liên quan đến tiền sử gia đình, có mẹ hoặc người thân thuộc bị mắc bệnh tâm thần và các yếu tố cá nhân có tác động ảnh hưởng như người mẹ chưa trưởng thành về mặt nhân cách, chưa có sự chuẩn bị về tâm lý để có con và sinh con; cũng có thể có sự thay đổi về nội tiết tố, bị tai biến thương tổn hoặc các biến chứng sản khoa...

Cần lưu ý đến các trường hợp loạn thần sau sinh để phát hiện, chẩn đoán sớm và xử trí điều trị phù hợp vì bệnh thường xảy ra sớm, đột ngột ngay sau khi sinh hoặc vài ngày sau khi sinh. Những trường hợp rối loạn tâm thần xuất hiện muộn sau sinh cũng xảy ra nặng và có biểu hiện cấp tính với nhiều dạng bệnh lý khác nhau cần chú ý.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.