Theo ông Dũng, hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc diệt muỗi được bán tràn lan và quảng cáo khắp nơi. Tuy nhiên người dân cần lưu ý, có những loại được phép sử dụng trong môi trường cho người, nhưng có những loại thuốc dùng cho nông nghiệp, không tốt cho sức khoẻ con người.
Bác sĩ Dũng cũng cảnh báo, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc diệt muỗi không nhãn mác, không bao bì ghi nguồn gốc sản phẩm. Trước kia, Bộ Y tế từng có quy định về việc những cơ sở phun hoá chất diệt côn trùng phải được phép của Bộ Y tế và được cấp chứng chỉ hành nghề, tập huấn chuyên môn nên việc thực hiện phun hoá chất được kiểm soát. Tuy nhiên từ năm 2001, khi các hộ kinh doanh chỉ cần có giấy phép kinh doanh là được thực hiện phun hoá chất thì thị trường này rất khó kiểm soát.
Theo ông Dũng, thông thường hoá chất diệt muỗi có tác dụng khoảng 6 tháng, tuy nhiên tại Hà Nội, tác dụng của hoá chất chỉ từ 2-3 tháng. Nguyên nhân là do muỗi ở Hà Nội bị kháng thuốc khá nhiều do thị trường này những năm qua loạn các sản phẩm diệt muỗi, môi trường phức tạp và thuận lợi cho muỗi gây bệnh phát triển.
Theo TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, trong mùa bệnh SXH phát triển, biện pháp phun hóa chất không gian thường được ngành y tế dự phòng áp dụng để diệt muỗi truyền bệnh.
Hoá chất này diệt muỗi truyền bệnh SXH đang bay trong không trung và bám đậu ở các nơi khác với yêu cầu đạt ngay hiệu quả. Biện pháp này được thực hiện khi dịch bệnh SXH đang lan tràn hoặc mật độ hoạt động của muỗi truyền bệnh trở thành một vấn đề nan giải. Do hiệu lực của hóa chất diệt muỗi truyền bệnh không tồn lưu kéo dài nên trong thực tế, cần phải phun lặp lại vài lần.
Coi chừng tác dụng ngược
Trong vòng một tháng qua, gia đình chị Nguyễn Thị Phượng (Q. Bình Tân) đã thuê thợ phun thuốc nhà mình hai lần, thế nhưng chỉ sau một vài ngày, nhà vẫn có muỗi và lại còn nhiều hơn trước. TS Hoàng Minh Nam - khoa Hóa trường ĐH Bách khoa TPHCM cho rằng, có thể là do muỗi đã kháng thuốc.
Theo TS Nam, việc phun thuốc trừ muỗi tại gia hiện nay chỉ có tác dụng tiêu diệt muỗi có trong môi trường tại thời điểm phun. Sau một thời gian nhất định, thuốc bay hơi và hết tác dụng. Nơi nào quảng cáo thuốc diệt được muỗi trong thời gian dài là không đúng. Việc phun thuốc cũng cần tránh lạm dụng trong thời gian dài sẽ dẫn tới tình trạng muỗi kháng thuốc.
“Khi sử dụng các sản phẩm diệt, ngừa muỗi cần phải hết sức lưu ý và cẩn thận. Vì trong đó thường có hóa chất Tetramethrin, D-Phenothrin, Pemerthrin… là chất diệt côn trùng và có tác dụng cả trên người. Những chất này chứa clo hoặc phốt pho tác động lên hệ thần kinh, gây ra một số chứng bệnh như ngứa, tê, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, thậm chí là co giật, thay đổi ý thức, tăng huyết áp.
Hệ nội tiết cũng chịu ảnh hưởng nếu nhiễm phải các loại hóa chất này, đặc biệt là nội tiết sinh dục với những biểu hiện như dậy thì sớm, gây hiếm muộn, vô sinh, tăng nguy cơ gây ung thư. Người tiêu dùng cũng đừng tin vào quảng cáo vì đó chỉ là chiêu bán hàng. Mua bất kỳ sản phẩm nào cũng phải căn cứ vào nhãn mác, chứng nhận của cơ quan chức năng in trên bao bì” - TS Nam khuyến cáo.
BS Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM khuyến cáo: “Nếu người dân cứ chăm chăm tin vào lời quảng cáo những sản phẩm diệt, chống muỗi là hoàn toàn sai lầm. Tất cả các sản phẩm đều chỉ phát huy tác dụng trong một giai đoạn nào đó, chứ không thể công hiệu lâu dài.
Đó là chưa kể các sản phẩm liên quan đến hóa chất đều có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, theo tôi, chúng ta phải tìm được ổ muỗi trong gia đình xuất phát từ đâu, chỉ cần không để nước tù đọng thì muỗi sẽ không có nơi sinh sôi, phát triển. Người dân cũng phải ý thức trong việc phát quang cây cỏ, bụi rậm, không để cho muỗi có chỗ trú ngụ, sinh sản thì sẽ không còn SXH” - ông Dũng nhấn mạnh.