Ba trẻ em tử vong vì sốt xuất huyết ở Sài Gòn

 Bệnh nhân sốt xuất huyết đang được điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 1.
Bệnh nhân sốt xuất huyết đang được điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 1.
TPO - Ngày 25/7, thông tin từ bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho biết, đã có 3 trẻ em tử vong do sốt xuất huyết biến chứng dẫn đến sốc nặng, suy đa tạng… 

TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho biết, trong tháng 6 – 7 vừa qua, số ca sốt xuất huyết nhập viện tăng cao (khoảng 80-90 bệnh nhân nhập viện/tuần) gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng ca bị biến chứng cũng tăng cao, trung bình từ 8-10 ca/tuần. 

Tính từ đầu năm đến nay, bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhập gần 2.000 ca sốt xuất huyết. Trong ngày 25/7, có đến 110 bệnh nhân đang được điều trị, trong đó có 9 ca nặng, có dấu hiệu bị sốc.

BS.Tuấn cho biết, trong tổng số bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết thì có đến 45% là bệnh nhân từ các tỉnh. Số lượng bệnh nhân các tỉnh nhập viện tăng cao dẫn đến tình trạng quá tải ở bệnh viện khiến các bác sĩ phải tiến hành lọc bệnh, những trường hợp bệnh nhẹ sẽ được điều trị tại nhà.

BS. Tuấn cho rằng, hiện tại các bệnh viện tuyến tỉnh cũng có trình độ chuyên môn cao, hoàn toàn có thể chữa trị bệnh sốt xuất huyết nên người bệnh ở các tỉnh nên điều trị tại địa phương bởi lượng bệnh nhân nhập viện quá đông có thể dẫn đến tình trạng lây nhiễm chéo.

Các bác sĩ cho rằng, để phát hiện kịp thời bệnh sốt xuất huyết, người nhà bệnh nhân cần chú ý trong hai ngày đầu nếu tình trạng sốt li bì thì cần đến các cơ sở y tế khám. Trong thời gian ngày thứ 3-6, bệnh nhân giảm sốt nhưng đây cũng là giai đoạn dễ phát bệnh nặng nhất.

Bên cạnh đó, một số sai lầm khi điều trị sốt xuất huyết có thể gây bệnh nặng hơn, thậm chí tụt huyết áp không thể đo được. Việc tuỳ tiện dùng thuốc hạ sốt gây mất khả năng phát hiện sốt xuất huyết, một số loại thuốc hạ sốt quá mạnh có thể gây xuất huyết tiêu hoá, tổn thương gan. Tránh ăn những đồ ăn có màu nâu, đen để khi bệnh nhân ói có thể phán đoán được xuất huyết tiêu hoá…

Phần lớn các bệnh nhi đã nhập viện điều trị sốt xuất huyết đều bị giảm tiểu cầu và rối loạn đông máu... nếu nặng hơn, bệnh nhi có thể bị sốc. “Triệu chứng sốc ở trẻ là lừ đừ, mệt mỏi, bứt rứt, tay chân lạnh, tụt huyết áp. Nếu chậm trễ điều trị sẽ không đo được huyết áp. Trẻ bị sốt xuất huyết dễ thấy nhất là xuất huyết ngoài da, chảy máu răng, máu mũi, với bé gái dậy thì có thể xuất huyết âm đạo. Nặng hơn bệnh nhân có thể bị suy đa cơ quan, suy hô hấp, tổn thương não”, BS.Tuấn nói.

Từ đầu năm đến nay, trên cả nước có 17 ca tử vong do sốt xuất huyết, trong đó bệnh viện Nhi Đồng 1 có 3 ca. Các ca này đều biến chứng suy đa cơ quan. Có trường hợp do cha mẹ chủ quan, nên khi các bé được đưa đến bệnh viện đã sốc rất nặng, xuất huyết tiêu hoá. Tuy nhiên, có những trường hợp đến rất sớm nhưng vẫn không cứu được, bởi trẻ có những bệnh mãn tính hay có vấn đề về tiểu cầu.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.