Cẩn trọng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Từ những năm 30, ở Mỹ đã hình thành khu thương mại tự do (TMTD) với nhiều chính sách riêng, tọa lạc tại nơi giao thương thuận lợi (gần cảng biển).

Không riêng gì Mỹ, nhiều quốc gia khác dù có nền kinh tế thị trường linh động vẫn muốn hình thành những lãnh địa kinh tế mở hơn để thu hút các nhà đầu tư, tăng kim ngạch xuất khẩu.

Hiện ở Việt Nam, khái niệm TMTD còn mới, nhưng một số mô hình đang tồn tại phần nào tiệm cận gần với nó (như khu kinh tế mở hay nhỏ hơn là khu kinh tế cửa khẩu). Đáng tiếc thay, những mô hình này có “sinh” nhưng “dưỡng” lay lắt. Nhiều chuyên gia cho rằng, từ cung cách quan lý tới cơ chế chính sách chưa đủ mạnh khiến cho khu kinh tế mở hoặc kinh tế cửa khẩu trở nên èo uột. Điều này cho thấy, nghĩ ra chính sách đã khó, nhưng để nó tồn tại và phát triển hiệu quả còn khó hơn. Có lẽ cần một sự chắc chắn, thấu đáo. Thế nên Quốc hội cân nhắc đề xuất hình thành khu TMTD cần được nghiên cứu kỹ hơn “Cẩn tắc vô ưu”.

Trên thế giới đang có khoảng 5 nghìn khu TMTD và dự báo 5 năm tới đây sẽ xuất hiện thêm khoảng 1 nghìn nơi mới. Cơ bản những khu này đều được đánh giá phát triển tốt. Đặc biệt có nơi như ở Dubai (UAE), khu TMTD như một thành phố sầm uất, thịnh vượng với hàng không, cảng biển kết nối thuận lợi, hàng hóa tấp nập. Dù mỗi quốc gia có một khái niệm riêng về khu TMTD nhưng đặc điểm chung là cơ chế thông thoáng và nhà nước dành nguồn lực để phát triển. Ở gần Việt Nam, Trung Quốc đã hình thành hàng loạt đô thị - cảng biển phát triển thần tốc, trong đó thương cảng Tự do đảo Hải Nam với quy mô lớn, hiệu quả cao, như một điển hình ở châu Á.

Sở dĩ Hải Phòng được chọn vì nơi đây có nhiều điều kiện về giao thương và có thể trở thành động lực tăng trưởng của cả nước, chứ không chỉ vùng tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Dự kiến nếu Hải Phòng xây dựng Khu TMTD sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm, thu hút các nhà đầu tư, tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu, phát triển và sử dụng hiệu quả hơn dịch vụ cảng biển, tạo cơ hội thúc đẩy hình thành các cụm công nghiệp, liên kết chặt chẽ và rộng rãi hơn với khu vực sản xuất trong nước.

Việt Nam với lợi thế bờ biển dài, tiềm năng kinh tế biển lớn, nhưng hiện chưa khai thác hết thế mạnh sẵn có. Chúng ta đã phát triển nhiều đô thị ven biển nhưng để có khu TMTD đúng nghĩa, đúng tầm có lẽ cần một tư duy đột phá. Một mô hình thành công trên thế giới, không thể bắt chước, hoặc rập khuôn. Sự tương thích, hài hoà và khác biệt đòi hỏi phải được đầu tư, tính toán, cân nhắc. Chậm, chắc, an toàn, hiệu quả phải được lưu tâm lúc này.

MỚI - NÓNG