Cẩn trọng khi thông tin

Ông Fritz Kưster, Trưởng khoa Thủy học của DTU, chúc mừng chị Giang là thạc sỹ chuyên ngành thủy học đầu tiên tại DTU Ảnh: Kristine Bohmann
Ông Fritz Kưster, Trưởng khoa Thủy học của DTU, chúc mừng chị Giang là thạc sỹ chuyên ngành thủy học đầu tiên tại DTU Ảnh: Kristine Bohmann
TP - Chị Nguyễn Ngọc Tương Giang vừa trả lời PV Tiền Phong xung quanh việc kiểm toán độc lập kết luận điều phối viên một dự án nghiên cứu biến đổi khí hậu tại Viện Hải Dương học (HDH), do Đan Mạch tài trợ, đã dùng hơn 800 triệu đồng của dự án cho con gái du học.

> Kiểm toán có thể nhầm lẫn

“Ai bảo tôi thôi học giữa chừng?”

Có ý kiến cho rằng việc ông Nguyễn Ngọc Lâm, điều phối viên dự án, đề xuất các điều kiện như làm việc ở Viện ít nhất hai năm, phải là thành viên tham gia dự án là nhằm loại bỏ các đối tượng tiềm năng khác muốn du học bằng tiền dự án?

Hai năm kinh nghiệm có nghĩa là chỉ cần hết thời gian thực tập và trở thành một nghiên cứu viên chính thức, hợp đồng hay biên chế đều giống nhau. Đây là điều kiện dễ dàng để mọi người có thể đáp ứng.

Tôi không có tên trong danh sách các nhà khoa học chủ yếu của dự án. Cũng như các cán bộ khác, chỉ cần có tên trong một tập thể khoa học và tập thể đó có tham gia đề tài là có thể thỏa mãn một trong các điều kiện tuyển chọn.

Đợt ấy, có ba người cùng đăng ký dự tuyển. Trong số đó, có một chị tốt nghiệp đại học tròn hai năm. Vấn đề lớn nhất là trình độ ngoại ngữ. Trước tôi, có một ứng viên nam.

Nếu đạt chuẩn ngoại ngữ từ mức 6 trở lên, ứng viên này nhất định sẽ được chọn vì anh có thâm niên công tác lâu hơn tôi.

Thông báo của Viện HDH cho biết có đến ba suất được đào tạo bằng kinh phí dự án. Bên cạnh tiêu chuẩn trình độ tiếng Anh, thông báo còn nêu tiêu chuẩn chuyên môn thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như hải dương học, sinh học, hóa học.

Cuối cùng, chỉ chọn được hai ứng viên và cả hai ứng viên đều ngẫu nhiên chuyên về mảng sinh học.

Nhưng quyết định cuối cùng không phải do Viện HDH mà là các trường đại học nước ngoài. Nay nếu nhà chức trách Đan Mạch đồng ý với kết quả kiếm toán, điều đó dường như đồng nghĩa với việc họ nghi ngờ tính minh bạch trong khâu tuyển chọn do phía Đan Mạch thực hiện.

Đang du học, bỗng nhiên nghỉ giữa chừng, có ý kiến cho rằng, chị đã vi phạm điều kiện tuyển chọn của Viện HDH?

Ai bảo tôi thôi học giữa chừng, có thể cho biết cụ thể được không? Một thông tin hoàn toàn sai lệch. Tôi đâu có nghỉ giữa chừng.

Tôi tham gia hai năm liền chương trình thạc sỹ khoa học của Đại học Công nghệ Đan Mạch (DTU) và bảo vệ khóa luận tốt nghiệp thành công ngày 1-7-2011, sớm hơn hai tháng so với thời hạn đã định trước.

Tôi may mắn là người đầu tiên tốt nghiệp chuyên ngành khoa học và công nghệ hải dương tại DTU.

Hãy trả lại sự bình yên

Mấu chốt của vấn đề là kết luận của công ty kiểm toán: “Điều phối viên dùng tiền của dự án cấp cho con gái đi học”. Chị thấy thế nào khi thông tin này được công bố chính thức?

Tôi chỉ mong các cơ quan có thẩm quyền cẩn thận trước khi công bố một kết luận hay đưa ra một nhận định. Vội vàng có thể dẫn đến sai lầm, làm tổn hại danh dự những người liên quan.

Truyền thông cũng cần hết sức cẩn thận. Chính thông tin trên báo chí và ý kiến của độc giả thời gian qua đã làm tổn thương không nhỏ đến nhiều nhà khoa học chân chính.

Còn bố chị thì sao?

Ba tôi dễ xúc cảm. Ông đã khóc khi nói chuyện với thân nhân và bạn bè về những gì báo chí nêu. Tôi cảm nhận rằng ba tôi, các nhà khoa học Việt Nam và Đan Mạch đã làm hết mình để đạt được kết quả giai đoạn một của dự án.

Nơi làm việc là căn nhà thứ hai của ông. Mười năm nay, tôi chưa thấy ba nghỉ làm việc vào các ngày thứ bảy hay chủ nhật. Ba có một ê kíp làm việc tuyệt vời. Tôi hạnh phúc về ba, tin ba lúc nào cũng công tâm trong khoa học. Hãy trả lại cho ba tôi sự bình yên. Còn tôi, sức chịu đựng có thể bền bỉ hơn.

Cảm ơn chị.

Viện HDH không có thẩm quyền quyết định

“Lãnh đạo Viện HDH chỉ cấp quyết định cử đi học sau khi phía Đan Mạch phê duyệt. Nói cách khác, quyết định chọn ai và chọn như thế nào hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Đan Mạch. Giang là ứng viên bình thường như nhiều người khác ở Viện HDH. Tất cả đều có cơ hội như nhau. Ngoại ngữ là một trong yếu tố tiên quyết. Không nói được, không hiểu tiếng Anh thì làm sao giao tiếp được trong học tập” - PGS.TS. Bùi Hồng Long, Viện trưởng Viện Hải dương học.

ĐSQ Đan Mạch không bình luận thêm

Trả lời PV Tiền Phong, bà Đặng Thị Hương Lan, Giám đốc Báo chí & Văn hóa, Đại Sứ quán Đan Mạch (ĐSQ), cho hay ĐSQ không có bình luận gì thêm sau khi kết thúc cuộc họp các bên liên quan ngày 6-6 tại Hà Nội. Bà Lan chỉ cung cấp lại thông báo ngày 31-5, của ĐSQ, trong đó có đoạn: “Những phát hiện trong quá trình kiểm tra tài chính là sử dụng dịch vụ tư vấn để tư lợi... Tuy nhiên, những phát hiện này cần được hai chính phủ và các cơ quan thực thi đánh giá kỹ lưỡng trước khi có kết luận cuối cùng”.

* “Hai năm sau khi thực hiện chương trình thạc sỹ của DTU Aqua, học viên đầu tiên đã bảo vệ luận án. Cô là thạc sỹ khoa học đầu tiên trong lĩnh vực khoa học và công nghệ thủy học tại Đại học DTU… Tại Viện Hải dương học, cô nhận được học bổng của DANIDA để sang Đan Mạch học.

Luận án của Giang mang tên: “Lần tìm các tác động thay đổi môi trường đến các hệ sinh thái ở Việt Nam: Một ví dụ từ các nghiên cứu chính về trầm tích tại cửa sông Nha Phú”. Luận án là một phần của dự án Việt Nam-Đan Mạch mang tên CLIMEEViet”.

Trang chủ của DTU: http://www.aqua.dtu.dk/English/News.aspx?guid={1B53F5FB-F957-4B8A-BA07-085F00684A8E}

 

Quốc Dũng
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.