Cản trở nhà báo sẽ bị xử lý thế nào?

Luật sư Trần Tuấn Anh
Luật sư Trần Tuấn Anh
TP - Gần đây xảy ra nhiều vụ phóng viên tác nghiệp, phản ánh tiêu cực bị đe dọa, hành hung, bị phá hoại tài sản. Việc đe dọa, cản trở nhà báo sẽ bị xử lý như thế nào?

Gần đây nhất, sau khi viết bài phanh phui hoạt động xe chở quá khổ, quá tải của Cty TNHH Cơ khí Hải Sơn (đóng tại TP Đồng Hới, Quảng Bình), nhà báo Trương Quang Nam (báo Thanh Niên) đã bị ông Nguyễn Hải Sơn, Giám đốc Cty này trực tiếp điện thoại, có lời nói đe dọa, uy hiếp tính mạng. Hành vi của ông Sơn bị Công an Quảng Bình kết luận đã “uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên”, xử phạt 20 triệu đồng theo Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản; đồng thời buộc ông Sơn phải xin lỗi nhà báo Trương Quang Nam.

“Xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin của công dân” là một hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt cao nhất lên đến 5 năm tù”.

Luật sư Trần Tuấn Anh

Theo luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Cty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), việc các nhà báo, phóng viên bị đánh, bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của bản thân cũng như gia đình không còn là chuyện hiếm gặp trong một vài năm gần đây. Điều này cũng là dễ hiểu, bởi trong xã hội, luôn tồn tại một bộ phận muốn chà đạp lên pháp luật để kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, các hành vi đó, có khi chỉ bị lôi ra ánh sáng khi có sự vào cuộc quyết liệt của các nhà báo, phóng viên chân chính, sẵn sàng đương đầu cái sai, cái xấu, hành vi tiêu cực trong xã hội.

Theo luật sư Tuấn Anh, bất kỳ một hành vi xâm phạm đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp đều bị xử lý theo quy định pháp luật với các quy phạm tương ứng trong Bộ luật Hình sự như: Tội cố ý gây thương tích; Tội giết người; Tội đe dọa giết người; Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật; Tội hủy hoại tài sản… Trong trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, sẽ bị áp dụng các chế tài xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại “Nghị định số: 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản”.

Song, theo luật sư Tuấn Anh, dường như các chế tài kể cả là hình sự hay hành chính đều chỉ xử phạt dựa vào tính chất, mức độ của hành vi của các đối tượng vi phạm gây ra cho chính nhà báo, phóng viên đó, mà chưa xem xét đến khía cạnh hành vi vi phạm đó là nguy hiểm cho xã hội, bởi nó đã trực tiếp xâm phạm đến quyền được tiếp cận thông tin của công dân, mà đây là quyền cơ bản của con người đã được Hiến pháp ghi nhận đối với mỗi công dân.

Luật sư Tuấn Anh cho biết, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã ghi nhận hành vi “Xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân” là một hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt cao nhất lên đến 5 năm tù, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là “Cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 năm đến 5 năm”.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.