Cần Thơ: Cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ nếu kém công nghệ thông tin

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các trưởng phòng, phó trưởng phòng chuyên môn thuộc UBND quận/huyện; chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã/phường/thị trấn trên địa bàn TP Cần Thơ sẽ trải qua đợt "sát hạch" về kiến thức tin học phục vụ xử lý công việc hằng ngày. Nếu đạt dưới 50% số điểm tối đa sẽ bị xem xét đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ...

UBND TP Cần Thơ vừa ban hành Kế hoạch tổ chức cuộc thi đánh giá năng lực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động quản lý, điều hành của cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý năm 2021.

Cuộc thi nhằm đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng và trình độ ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, điều hành của cán bộ, công chức lãnh đạo quản lý, làm cơ sở cho việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa trình độ CNTT của đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử của TP trong giai đoạn 2021-2025.

Đối tượng tham gia gồm trưởng phòng, phó trưởng phòng chuyên môn thuộc UBND quận/huyện; chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã/phường/thị trấn.

Nội dung thi là kiểm tra về kiến thức tin học phục vụ xử lý công việc hằng ngày như sử dụng internet, gửi và nhận email, soạn thảo văn bản và phát hành văn bản trên phần mềm quản lý công việc, ký số văn bản, xử lý thủ tục hành chính (TTHC) trên phần mềm một cửa điện tử.

Về hình thức, thi thực hành, thao tác trên máy tính theo đề bài (được chọn ngẫu nhiên từ ngân hàng câu hỏi). Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III/2021.

Sở Nội vụ công bố kết quả thi làm cơ sở cho các quận/huyện đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021. Đưa kết quả thi vào chấm điểm chỉ số cải cách hành chính năm 2021 đối với quận/huyện, xã/phường/thị trấn.

Chủ tịch UBND quận/huyện, xã/phường/thị trấn xem xét đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ đối với công chức lãnh đạo, quản lý đạt dưới 50% số điểm tối đa và tổ chức khảo sát, đánh giá lại đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý…

Theo kết quả khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn TP năm 2020 do Sở Nội vụ Cần Thơ công bố gần đây, hầu hết người dân (98,40%) chọn hình thức nộp hồ sơ và nhận kết quả tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; chỉ 0,35% chọn nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là có 0,28% ý kiến chọn hình thức thuê người thực hiện (dịch vụ “cò”).

Có 66,83% số người được hỏi cho biết tiếp cận, tìm hiểu thông tin về TTHC qua chính quyền địa phương; 22,81% ý kiến hỏi người thân, bạn bè và chỉ có 3,24% tìm hiểu qua mạng internet.

Tỷ lệ trên cho thấy mức độ phụ thuộc vào công chức làm việc tại bộ phận một cửa để biết về TTHC là rất lớn và việc này diễn ra ở tất cả các cấp, đặc biệt là cấp xã. Việc phụ thuộc này cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà trong quá trình thực hiện TTHC.

Người dân cho rằng một số công chức tại bộ phận một cửa không nhiệt tình hướng dẫn hồ sơ, không thân thiện trong tiếp nhận giải quyết TTHC; hướng dẫn không rõ ràng dẫn đến việc người dân phải đi lại nhiều lần để hoàn thiện hồ sơ; có thái độ cáu gắt khi người dân hỏi về TTHC, đề nghị chi tiền để giải quyết hồ sơ nhanh hơn…

MỚI - NÓNG