Can thiệp thị trường thời 'bão' giá

Giá xăng tăng kéo theo giá lương thực, thực phẩm Ảnh: Hồng Vĩnh
Giá xăng tăng kéo theo giá lương thực, thực phẩm Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Việt Nam đang trải qua giai đoạn có những biến động giá lớn, nói cụ thể hơn là những biến động tăng giá lớn. Giá cả một số hàng hóa quan trọng như điện, nước, xăng dầu đã tăng đáng kể trong thời gian qua.

> Vin vào giá xăng, giá thực phẩm tăng chóng mặt
> Ăn chơi mùa 'bão giá'

Giá xăng tăng kéo theo giá lương thực, thực phẩm Ảnh: Hồng Vĩnh
Giá xăng tăng kéo theo giá lương thực, thực phẩm. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Lường hết “bản năng gốc”

Thị trường là một thực thể thiên biến vạn hóa, thường linh hoạt và sáng tạo hơn rất nhiều so với những gì cơ quan quản lý có thể hình dung và các biện pháp can thiệp thị trường cơ quan quản lý có thể nghĩ ra. Đơn cử vấn đề lãi suất tiền gửi tiết kiệm.

Để thu hút tiền gửi, nhiều ngân hàng đã tung ra sản phẩm lãi suất linh hoạt, người gửi tiền được rút hết tiền trước khi hết kỳ hạn gửi tiền nhưng vẫn được hưởng lãi mức lãi suất quy định cho số ngày gửi tiền thực tế thay vì phải hưởng lãi suất không kỳ hạn.

Theo một số mục tiêu can thiệp thị trường tiền tệ, gần đây Ngân hàng Nhà nước quy định nếu người gửi tiền rút tiền trước khi hết kỳ hạn thì chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn. Gần như ngay lập tức, một số ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất không kỳ hạn lên 8-9%/năm thay vì 3-4% như trước đây.

Bằng quy định mới, Ngân hàng Nhà nước muốn các ngân hàng quay về cơ chế lãi suất cũ (trước khi họ tung ra sản phẩm lãi suất linh hoạt). Trong khi đó, bằng việc tăng lãi suất không kỳ hạn lên cao, các ngân hàng thương mại có vẻ muốn làm sao để quy định mới của Ngân hàng Nhà nước tác động không nhiều đến tình hình, kết quả kinh doanh của họ (so với khi họ áp dụng lãi suất linh hoạt).

Khi một quyết định quản lý - theo chủ ý hoặc vô tình - gây bất lợi cho một số đối tượng quản lý, theo “bản năng gốc”, họ sẽ tìm mọi cách hạn chế, thậm chí vô hiệu hóa, tác động của quyết định quản lý, kể cả bằng sáng tạo kinh doanh, tranh chấp pháp lý, tệ hơn nữa là lách luật hoặc bất chấp luật.

Mới chỉ xuất hiện ý định cấm kinh doanh vàng miếng, đã có người nghĩ ngay: liệu lấy vàng miếng đục lỗ xâu một cái dây qua thì có được coi là vòng vàng (là vàng trang sức được phép kinh doanh)? Quả thực là đồ trang sức cũng có những thứ trông rất kỳ quái, ai khẳng định là vòng vàng kiểu này không phải là đồ trang sức?

Những suy nghĩ và hành động sáng tạo kiểu như thế rất nhiều, các nhà quản lý càng hình dung được nhiều (hoặc ít) khả năng, cách thức phản ứng của thị trường thì tính khả thi và hiệu quả của các quyết định quản lý càng cao (hoặc thấp).

Để không còn bão giá, có người đặt vấn đề thoạt nghe thì thấy hợp lý: Mỗi chợ đều có ban quản lý chợ, có quy định về niêm yết giá. Nếu cơ quan quản lý chức năng kết hợp với ban quản lý chợ, kiểm soát và xử phạt thật nặng những tiểu thương đầu cơ, tăng giá, thì chắc chắn phần nào kiểm soát được giá cả, hạn chế việc tăng giá vô tội vạ.

Giá như làm quản lý nhà nước đơn giản được như vậy! Cũng mong sao quản lý nhà nước đừng bao giờ đơn giản kiểu như vậy! Kể cả trong thời kỳ bao cấp, khi nhà nước quyết định giá cả hầu hết mặt hàng lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng (gây ra sự khan hiếm hàng hóa) thì nhà nước cũng chưa bao giờ kiểm soát được giá cả hàng hóa ở chợ.

Không ai có thể buộc tiểu thương phải bán cân gạo, cân thịt, bó rau... theo giá này, giá nọ, nếu tăng giá thì sẽ phạt tiền hoặc đuổi họ ra khỏi chợ cả. Chẳng có triết lý quản lý kinh tế và cơ sở pháp lý nào để làm những việc như vậy.

Sử dụng nhiều hơn công cụ quản lý thị trường

Trong những năm gần đây, các cơ quan quản lý nhà nước đã rất cố gắng quản lý tốt giá một số mặt hàng nhạy cảm như sữa bột, thuốc tân dược nhập ngoại. Nhiều biện pháp như đăng ký, niêm yết giá đối với các mặt hàng này đã được đưa ra, nhưng kết quả xem ra vẫn còn khiêm tốn. Phải chăng cơ sở pháp lý của các biện pháp này chưa mạnh? Phải chăng hình thức, mức độ xử lý vi phạm theo các biện pháp này chưa đủ mức răn đe?

Có lẽ cần phải sử dụng nhiều hơn nữa các công cụ quản lý thị trường và can thiệt thị trường bằng luật, cụ thể là Luật Cạnh tranh, thay vì biện pháp hành chính.

Có hay không có việc các hãng sữa, hãng dược nước ngoài (hoặc các nhà phân phối của họ) vi phạm các điều cấm về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo Điều 9? Có hay không có việc các hãng sữa, hãng dược nước ngoài (hoặc các nhà phân phối của họ) vi phạm các điều cấm về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường theo Điều 13 (khi một doanh nghiệp có thị phần từ 30% trở lên, hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên, ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên, bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên)?

Có hay không việc các hãng sữa, hãng dược nước ngoài (hoặc các nhà phân phối của họ) vi phạm các điều cấm về tập trung kinh tế theo Điều 18 (cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan)?

Không riêng gì đối với sữa bột, thuốc tân dược, mà đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ khác, việc quản lý, can thiệp thị trường bằng các công cụ luật không những có cơ sở pháp lý chặt chẽ, mà còn cho phép xử lý vi phạm bằng những hình thức, mức độ có tính răn đe cao hơn nhiều (từ phạt tiền đến tối đa đến 10% tổng doanh thu của tổ chức, cá nhân vi phạm trong năm tài chính trước năm vi phạm, cho đến việc truy tố, bỏ tù những cá nhân liên quan). Nhưng đồng thời, cũng phải thấy rằng nếu doanh nghiệp, cá nhân khi quyết định giá hàng hóa, dịch vụ không hề vi phạm luật pháp cạnh tranh và các quy định pháp luật khác thì rất khó can thiệp và không nên can thiệp.

Không người dân nào muốn giá cả tăng và sức mua của gia đình mình bị giảm đi, nhưng cũng không ai muốn quay trở lại thời bao cấp khan hiếm hàng hóa. Kinh tế thị trường không hoàn hảo, nhưng chưa có mô hình kinh tế nào tiên tiến hơn nó.

Cần tiếp tục tuân thủ tối đa các nguyên lý thị trường trong hoạt động quản lý, tạo điều kiện cho thị trường được vận hành tự do, hiệu quả theo đúng các nguyên lý và giá trị của nó, song song với việc áp dụng các chính sách đảm bảo tốt hơn an sinh và công bằng xã hội. Một chính sách xã hội có khi tích hợp thẳng được vào chính sách kinh tế, cũng nhiều khi không thể tích hợp vào được, đôi khi việc cố tích hợp bằng được có thể nguy hiểm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".