Tối 23/6, tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội diễn ra lễ tổng kết thành tích thi đấu ở SEA Games 28. Đoàn thể thao Việt Nam với 392 VĐV đoạt được 73 HCV, 52 HCB và 60 HCĐ, vượt chỉ tiêu đề ra ban đầu. Nổi bật trong kết quả trên là việc số lượng HCV của các môn Olympic chiếm tới 68 chiếc (87,7%) tổng số HCV toàn đoàn. Số HCV này thuộc về 12 môn thể thao cơ bản trong hệ thống Olympic gồm: TDDC, điền kinh, bơi lội, bắn súng, đấu kiếm, judo, taekwondo, rowing, canoeing, boxing, xe đạp và bắn cung. Đặc biệt trong số này, điền kinh đoạt 11 HCV, phá 3 kỷ lục. Môn bơi lội cũng phá 13 kỷ lục, trong đó riêng kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên giành 8 HCV, phá 8 kỷ lục.
“Chúng ta đã có chủ trương đúng rồi, nhưng nếu việc chuẩn bị không chu đáo thì thành tích đạt được có thể không tương xứng với những gì bỏ ra. Trên thế giới ngay cả các cường quốc thể thao như Mỹ, Trung Quốc… cũng không thể phát triển để đoạt huy chương ở tất cả các môn mà đều phải lựa chọn môn nào phù hợp với khả năng của mình”.
Ông Nguyễn Hồng Minh
Đánh giá về thành tích này, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cho rằng, đây là kết quả sự chuyển hướng đầu tư của thể thao Việt Nam, với trọng tâm hướng tới các môn ASIAD và Olympic. Ông Nguyễn Hồng Minh cũng đánh giá cao khâu đánh giá thực tế các đối thủ trong khu vực, từ đó xác định trọng tâm ở SEA Games 28 của thể thao Việt Nam.
"Sự khác biệt thấy rõ là chúng ta không cần phải đưa quân đi quá đông, mà chỉ cần quân tinh nhuệ. Với 392 VĐV, chỉ bằng già nửa so với trước đây nhưng vẫn đạt được thành tích tốt”-ông Nguyễn Hồng Minh nói.
Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh đặc biệt đánh giá cao thành tích của Ánh Viên (bơi lội), Đinh Phương Thành (TDDC), 3 kỷ lục ở môn điền kinh trong đó có HCV cự li 4x400m nữ của bộ tứ Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Oanh và Nguyễn Thị Thuý. Thành tích 3 phút 31 giây 45 của 4 cô gái Việt Nam đã phá kỷ lục tồn tại 24 năm ở cự li này. Ông Minh cũng cho rằng, thể thao Việt Nam vẫn cần giữ đúng định hướng đầu tư, và đầu tư mạnh hơn nếu muốn vươn tới tầm ASIAD và Olympic. Bên cạnh đó, ngành thể thao phải chú trọng hơn đến khâu đầu tư cho các VĐV trẻ để tạo lực lượng kế cận.
“Tôi từng đánh giá Ánh Viên là viên ngọc quý của bơi lội Việt Nam. Thực tế ngành thể thao đã đầu tư rất nhiều cho VĐV này, tôi nghe phải đến 300.000 USD/năm. Liệu chúng ta có thể quan tâm đến cả các VĐV trẻ hay không, vì sau Ánh Viên, tôi chưa thấy chúng ta có VĐV nào có tiềm năng lớn?”-chuyên gia Nguyễn Hồng Minh đặt câu hỏi.
Theo ông Nguyễn Hồng Minh, đấu trường ASIAD và Olympic là rất khác so với SEA Games. Một VĐV có thể “làm mưa làm gió” ở đấu trường khu vực, nhưng vẫn rất nhỏ bé khi phải “bơi” ở đấu trường lớn như Olympic. Đây là nơi tập trung những VĐV tốt nhất thế giới ở tất cả các môn thi đấu. Ngành thể thao vì vậy nếu muốn hướng tới các đấu trường này thì cần sàng lọc VĐV, đầu tư hiệu quả cho những môn có triển vọng như Ánh Viên (bơi lội), Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Đinh Phương Thành (TDDC)…
Ông Nguyễn Hồng Minh lấy ví dụ như ở SEA Games 2003, đoàn Việt Nam khiến các nước trong khu vực theo không kịp khi đoạt tới 158 HCV. Nhưng chỉ 1 năm sau đó tại Olympic Athens 2004, thành tích của Việt Nam cao nhất chỉ là vị trí thứ 5 ở môn cử tạ (VĐV Nguyễn Thị Thiết), không giành được huy chương nào.