Cần thay đổi nhận thức về nghề công tác xã hội

Nhân viên CTXH và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Làng trẻ em mồ côi ở TP. Hà Tĩnh.
Nhân viên CTXH và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Làng trẻ em mồ côi ở TP. Hà Tĩnh.
Hiện nay, việc triển khai Đề án 32 - Phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) đã và đang thu được những thành quả nhất định. Nhưng xây dựng, phát triển nghề CTXH vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Nhân viên CTXH gặp khó

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm, qua 4 năm triển khai Đề án 32, Việt Nam đã bước đầu xây dựng chính sách, củng cố đội ngũ và mạng lưới, xây dựng giáo trình, tăng cường truyền thông cũng như hợp tác quốc tế về CTXH. Hàng loạt các văn bản như: Thông tư quy định về chức danh, mã số các ngạch viên chức CTXH; Quy định tiêu chuẩn chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH); Hướng dẫn tiêu chuẩn cộng tác viên cấp xã ngành CTXH... đã được các cơ quan chức năng biên soạn. Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH và đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên CTXH đã được củng cố, phát triển. Đến nay, cả nước có trên 30 tỉnh, thành phố xây dựng mô hình Trung tâm CTXH. Các Trung tâm này đã được Dự án hỗ trợ kỹ thuật để vận hành mô hình và phát triển dịch vụ CTXH. 

Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án 32 cũng còn nhiều vấn đề tồn tại như: Về mặt luật pháp, dù đã ban hành thêm một số quy định hướng dẫn, nhưng tổng thể chưa hoàn chỉnh; Việc đào tạo, tập huấn cho cán bộ, nhân viên CTXH mới dừng lại ở giai đoạn đầu, kinh nghiệm đào tạo ít; Chương trình, giáo trình và tài liệu giảng dạy CTXH còn thiếu, nhiều bất cập; Đội ngũ cán bộ, nhân viên và cộng tác viên CTXH còn quá mỏng và cũng chưa chuyên nghiệp; Các hoạt động hiện tại mang nặng tính quản lý nhà nước hơn là hướng dẫn, hỗ trợ cung cấp dịch vụ công cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, nhằm giúp đỡ họ tự giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh.

Một khó khăn nữa đó là, các nhân viên CTXH dù đã được đào tạo cũng sẽ khó xin việc nếu không lo được khâu đầu ra ổn định. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH, nhất là các cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng cho người khuyết tật, người tâm thần còn nghèo nàn; phương pháp chăm sóc, điều trị và trợ giúp đối tượng tại các cơ sở còn nhiều hạn chế; năng lực chăm sóc, trợ giúp các đối tượng của các cơ sở đạt hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của đối tượng. Hơn nữa, mạng lưới tổ chức cung cấp dịch vụ, hệ thống các tổ chức liên quan đến cung cấp các dịch vụ về CTXH hình thành ở ngành LĐTBXH là chủ yếu, chưa hình thành ở ngành y tế, giáo dục...

Trong thời gian tới, để phát triển nghề CTXH, cần truyền thông làm thay đổi nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của ngành CTXH và những người làm CTXH. Đồng thời, cần thay đổi mạnh mẽ hơn nữa phương thức đào tạo cán bộ, nhân viên làm CTXH... Những yêu cầu này chỉ được giải quyết khi chúng ta triển khai Dự án hỗ trợ, phát triển nghề CTXH ở Việt Nam.

Cần thay đổi nhận thức về nghề công tác xã hội ảnh 1 Tặng quà cho người khuyết tật tại tỉnh Quảng Ninh.

Dự án Hỗ trợ, phát triển nghề CTXH, tại sao không?


Với mục tiêu chung hỗ trợ phát triển nghề CTXH trở thành một nghề chuyên nghiệp ở Việt Nam, Dự  án Hỗ trợ, phát triển nghề CTXH ở Việt Nam bao gồm các nội dung chính: Nghiên cứu xây xựng hệ thống văn bản, pháp luật phát triển nghề CTXH; Đào tạo nhân viên nghề CTXH; Phát triển mạng lưới các tổ chức cung cấp dịch vụ CTXH; Truyền thông vận động CTXH. 

Việc hỗ trợ kỹ thuật thực hiện Đề án phát triển nghề CTXH nhằm Nâng cao hiểu biết của công chúng và các nhà hoạch định chính sách về vai trò và năng lực của nghề CTXH trong giải quyết các vấn đề của các cá nhân, các vấn đề xã hội; Tạo ra môi trường để các cán bộ CTXH thảo luận, chia sẻ thông tin và tăng cường cơ hội hợp tác; Cải thiện các dịch vụ bảo trợ và phúc lợi xã hội, trợ giúp những người dễ bị tổn thương trong xã hội; Nâng cao năng lực của Bộ LĐTBXH trong việc điều phối, vận động và thu hút sự tham gia của các bên liên quan và các bộ, ngành để thúc đẩy phát triển nghề CTXH. 

Theo ông Nguyễn Văn Hồi - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH), Chiến lược của Dự án là đẩy mạnh sự hợp tác liên bộ, liên ngành và tăng cường kết nối, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước về phát triển nghề CTXH. Các hoạt động chính của Dự án bao gồm: Truyền thông và vận động xã hội; Hỗ trợ phát triển mạng lưới hiệp hội và hình thành Hiệp hội nghề CTXH chuyên nghiệp; Phát triển các dịch vụ CTXH tại cộng đồng; Tổ chức các hoạt động xây dựng năng lực và Hoạt động giám sát, đánh giá Dự án.

Có thể nói, sự hỗ trợ của Dự án trong phát triển nghề CTXH và những vấn đề liên quan, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các nhà quản lí, hoạch định chính sách, các tổ chức kinh tế, xã hội… về vai trò, tầm quan trọng của nghề CTXH đối với sự phát triển của đất nước, cũng như tăng cường việc xây dựng các chính sách đầu tư cho công tác phát triển nghề CTXH, hỗ trợ những đối tượng cần sự giúp đỡ của những người làm nghề CTXH tiếp cận các dịch vụ xã hội, nâng cao trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong việc chung tay xây dựng nghề CTXH ở Việt Nam.

Bài viết phục vụ tuyên truyền Đề án phát triển nghề Công tác xã hội (Đề án 32)

MỚI - NÓNG