Điều tra sơ bộ dựa trên cơ sở phỏng vấn phóng viên đến từ bảy báo lớn, trong đó có báo Tiền Phong. Điều tra nằm trong khuôn khổ dự án của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) “Làm sạch môi trường tại các điểm nóng về dioxin”.
Ông Manfred Oepen, đại diện dự án UNDP và GEF, đồng ý với ý kiến cho rằng cuộc chiến AO/dioxin không chỉ giới hạn ở VN mà đã mở rộng ra nhiều nước, vậy tại sao VN không có phóng viên viết sâu sắc về AO/dioxin trong cuộc chiến nặng nề và dai dẳng, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của nhiều thế hệ.
Bà Nguyễn Điệp Hoa, chuyên gia tư vấn truyền thông dự án của UNDP và GEF, cho biết chủ đề được các báo viết nhiều nhất là kêu gọi giúp đỡ nạn nhân da cam; câu chuyện về các số phận của nạn nhân; hoạt động của các tổ chức và cá nhân nhằm giúp đỡ nạn nhân; chính sách của Chính phủ hỗ trợ nạn nhân; cộng đồng quốc tế, cá nhân, trong đó có các cựu chiến binh Mỹ giúp đỡ nạn nhân; và cuối cùng là vụ kiện đòi công lý cho nạn nhân.
Khảo sát còn cho thấy phóng viên các báo trung ương tiếp tục quan tâm tới AO/dioxin nhưng họ không thấy vấn đề có gì mới, không tự chủ động tiếp cận nguồn tin. Trong khi đó các phóng viên địa phương tỏ ra hiểu tình hình hơn do vấn đề xảy ra ở địa phương họ.