Cần phân biệt rõ hai hành vi đưa hối lộ

ÐBQH Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Như Ý.
ÐBQH Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Như Ý.
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, Luật sư, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh, trước tiên cần phân biệt rõ hai hành vi: Người đưa hối lộ trong trường hợp là nạn nhân và người đưa hối lộ để đạt được cái lợi nào đó. Ðặc biệt, khi xem xét mức độ miễn giảm tội đưa hối lộ, phải căn cứ vào từng hồ sơ, từng trường hợp cụ thể.

Ðã có nhiều quan điểm được đưa ra trước thông tin cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho Nguyễn Văn Dương về tội đưa hối lộ trong vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ vừa qua. Vấn đề được đặt ra là, khi nào thì được miễn trách nhiệm hình sự cho người đưa hối lộ?

Trong trường hợp này phải căn cứ vào hồ sơ và phụ thuộc vào tình tiết vụ án. Tôi không đi sâu, nên không nắm rõ về việc này nên không thể đánh giá trường hợp đó hợp lý hay không hợp lý được.

Tuy nhiên trong Bộ luật Hình sự cả cũ và mới đều có yếu tố này. Miễn ra sao, miễn như thế nào và mức độ ra sao? Tất cả phải căn cứ vào từng hồ sơ, từng vụ việc cụ thể.

Muốn chống tham nhũng thì phải có quy định như vậy. Bộ luật Hình sự các nước cũng đều nói tới điều này. Khi hành vi đã hoàn thành, nhưng thành khẩn khai báo, tố cáo thì sẽ được miễn giảm.

Nhưng khi xét miễn giảm trong từng trường hợp cụ thể, trước tiên cần phải căn cứ vào từng bối cảnh cũng như động cơ đưa hối lộ?

Quy định này được chia làm mấy loại cụ thể: Người đưa hối lộ được xem là nạn nhân và người có động cơ tham nhũng, hối lộ để đạt được cái lợi nào đó.

Riêng tội tham nhũng, có người buộc phải đưa hối lộ vì họ là nạn nhân. Ví dụ như họ đầu tư, ký hợp đồng cung cấp hàng hóa, hay đầu tư dự án cả trăm tỷ, nợ lãi ngân hàng tiền tỷ mỗi tháng, nhưng lại vướng thủ tục giấy phép. Nếu họ không chung chi, không hối lộ thì họ bị thiệt hại. Hay vào bệnh viện, nếu không chung chi thì bị đối xử không tốt chẳng hạn. Có những trường hợp đưa hối lộ mà họ là nạn nhân, buộc phải làm như vậy. Những người này nếu khai báo thì có sự miễn giảm rất cao, thậm chí miễn luôn.

Còn dạng thứ hai là có động cơ tham nhũng. Có những người đưa hối lộ đôi khi họ cũng là người tham nhũng. Nghĩa là họ lấy của hối lộ đi hối lộ người khác. Hoặc có những người đưa hối lộ để đạt được cái lợi nào đó, ví dụ mua chuộc cơ quan tố tụng để thoát tội chẳng hạn.

Giống như trùm xã hội đen Năm Cam dùng tiền mua chuộc, dụ dỗ cán bộ để bao che tội phạm. Những trường hợp hối lộ đó khác với những trường hợp là nạn nhân mà tôi vừa đề cập. Trong trường hợp này, Năm Cam là thủ phạm chứ không phải nạn nhân, vì đã dùng tiền để bao che, che đậy tội phạm.

Tuy nhiên, nếu người đưa hối lộ khai báo sớm, hợp tác chặt chẽ giúp cơ quan điều tra kết luận sớm vụ án, cung cấp chứng cứ trung thực, chính xác và xuất phát từ sự hối hận thì cũng được xem xét miễn giảm. Còn miễn giảm đến mức nào thì nó lại tùy vào tính chất, tùy từng giai đoạn, tùy hồ sơ, tình tiết cụ thể.

Trong Bộ luật Hình sự có đề cập đến cái gọi là do hoàn cảnh bức bách người ta mới phải đưa hối lộ, tức người đưa là nạn nhân. Vừa qua cũng có trường hợp doanh nghiệp đưa hối lộ, cuối cùng khi họ tố cáo thì họ vẫn bị tù, như vậy là không hay cho việc khuyến khích tố giác loại tội phạm này. Doanh nghiệp làm ăn, kiếm tiền, trong tình huống nào đó mà phải hối lộ, như khi xin giấy tờ chẳng hạn. Nếu người ta tố cáo mà bị xử lý thì không công bằng lắm.

Miễn giảm tới đâu phải xét nhiều yếu tố

Cần phân biệt rõ hai hành vi đưa hối lộ ảnh 1

Bị can Nguyễn Văn Dương được cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đề nghị miễn trách nhiệm hình sự tội đưa hối lộ.

Còn trong trường hợp đưa hối lộ với số tiền rất lớn, sau đó lại hợp tác, khai báo thành khẩn thì sao, thưa ông?

Như tôi nói, khi áp dụng từng trường hợp phải tùy vào tình tiết cụ thể, chứ không thể nói giảm, hay miễn như thế này hợp lý hay không. Luật cũng quy định bản thân phạm tội lần đầu, thậm chí nhiều trường hợp khi xét xử còn tính đến gia đình có công với đất nước. Nói chung có rất nhiều yếu tố xem xét giảm nhẹ.

Quan điểm chung, đối với người đưa hối lộ mà họ thực sự là nạn nhân, bức bách thì phải miễn giảm tối đa tội cho họ. Với trường hợp thứ hai thì không thể đánh đồng, nhưng miễn giảm tới đâu thì phải xét nhiều yếu tố. Thậm chí cũng có thể người ta đã bị khởi tố tội danh khác, riêng tội này nhẹ không đáng kể, lại tích cực hợp tác chẳng hạn, thì người ta sẽ xem xét giảm bớt cho một tội.

Muốn đánh giá có hợp lý hay không, phải căn cứ vào hồ sơ cụ thể. Ngay cả khi xét xử, vẫn có thể có quan điểm khác nhau giữa Tòa án và Viện kiểm sát. Ví dụ, Viện kiểm sát có thể không truy tố, nhưng khi ra tòa, tòa lại thấy phải truy tố. Nên phải tùy tình tiết cụ thể, cũng như trường hợp của ông Nguyễn Văn Dương, phải vận dụng vào hồ sơ thì mới đánh giá được.

Ðể chống tham nhũng có hiệu quả, theo ông cần vận dụng quy định này như thế nào?

Chính sách hình sự của chúng ta bao giờ cũng khuyến khích việc khai báo và có sự miễn giảm nhất định với sự khai báo đó. Tất nhiên ở đây người ta có quyền không nhận tội và khai báo. Người ta có quyền không khai những điều bất lợi cho họ. Nếu họ giữ quyền đó thì cũng không được xử nặng cho người ta. Nghĩa là không vì chuyện người ta áp dụng quyền im lặng, không khai báo, không nhận tội mà cho là ngoan cố và xử nặng. Luật đã bỏ tình tiết đó rồi, không coi đó là tình tiết tăng nặng.

Nhưng nếu hợp tác và khai báo thành khẩn thì có thể coi là tình tiết giảm nhẹ. Vì khi khai báo sẽ giúp quá trình xử lý vụ án được nhanh chóng, chính xác hơn. Cũng có thể vì ăn năn hối lỗi nên người ta khai báo trung thực, hành vi đó cần được khuyến khích.

“Có những người đưa hối lộ đôi khi họ cũng là người tham nhũng. Nghĩa là họ lấy của hối lộ đi hối lộ người khác. Hoặc có những người đưa hối lộ để đạt được cái lợi nào đó, ví dụ mua chuộc cơ quan tố tụng để thoát tội chẳng hạn. Giống như trùm xã hội đen Năm Cam ngày xưa dùng tiền mua chuộc, dụ dỗ cán bộ để bao che tội phạm. Những trường hợp hối lộ đó khác với trường hợp đưa hối lộ là nạn nhân”.

Ông Trương Trọng Nghĩa

MỚI - NÓNG