Ông Chu Văn Cao (70 tuổi) chính là chủ nhân của căn nhà độc đáo “có một không hai” này. Căn nhà có chiều rộng 1m, dài 2,5m và cao vỏn vẹn 1,4m. Dù có diện tích chật chội song đây lại là nơi tá túc, sinh hoạt của hai bố con ông Cao suốt hơn 20 năm qua.
Để vào được căn nhà, phải đi qua một ngõ nhỏ sâu hun hút, không có ánh sáng. Căn nhà nhỏ đến nỗi, người ở trong nhà chỉ có thể nằm hoặc ngồi, muốn di chuyển phải quỳ bò mà không thể đứng thẳng.
Thậm chí, nếu có khách đến chơi nhà, một người ngồi trong, một người phải cho chân ra ngoài mới đủ diện tích. Ông Cao cho biết, căn nhà mình thuộc dạng nhỏ nhất phố cổ và chắc chắn cũng lập kỷ lục nhỏ nhất Việt Nam.
Để vào được căn nhà đặc biệt này phải đi qua một ngõ nhỏ, sâu hun hút và không có ánh sáng
Gọi là nhà nhưng thực chất đây là căn gác xép nhỏ nằm ngay lối cầu thang tầng 2 của một căn nhà khác
Dù có diện tích khá chật chội song hơn 20 năm qua đây là nơi tá túc của hai bố con ông Cao
Trong căn nhà ngoài chiếc quạt điện và một số đồ dùng cá nhân, ông không sắm thêm bất cứ thứ gì vì không có chỗ để. Ngay cả quần áo của hai bố con cũng không dám mua nhiều. Mặc bộ nào cũ, rách bỏ đi, ông Cao mới dám mua thêm bộ mới.
Việc tắm giặt, sinh hoạt cá nhân thì phải xuống sân tập thể của ngõ để làm. Bất tiện nhất là lúc đi ngủ, hai bố con thường phải nằm nghiêng hoặc áp sát vào mép tường vì diện tích quá chật. Đến nỗi, ông Cao phải tính toán thời gian để tránh việc ở nhà cùng con trai.
“Thường thì hai bố con đi làm từ sáng sớm. Nếu ngày hôm đó tôi không có việc, cũng chạy loanh quanh hoặc ngồi quán nước đầu ngõ, chỉ tối mới về ngủ. Ngay cả việc ăn uống, hai bố con cũng tranh thủ ăn luôn ở chỗ làm hoặc quán cơm bụi vì nhà không có chỗ nấu nướng”, ông Cao cho hay.
Căn nhà được sắp xếp tối giản đồ đạc
Căn nhà nhỏ đến nỗi, người ở trong nhà chỉ có thể nằm hoặc ngồi, muốn di chuyển phải quỳ bò mà không thể đứng thẳng.
Nói về căn nhà đặc biệt của mình, người đàn ông này cho biết, đây thực chất là căn gác xép để đồ của căn nhà phía dưới. Trước đây, toàn bộ ngôi nhà với diện tích trên 10m2 này thuộc quyền sở hữu của gia đình ông.
Vào năm 1993 do làm ăn thua lỗ, ông Cao phải bán toàn bộ tầng 1 để trả nợ. Không có chỗ ở, ông ngăn tạm gác xép ở tầng 2 làm chỗ sinh hoạt. Dù sống trong cảnh thiếu thốn, chật chội song người đàn ông này luôn lạc quan và khá vui vẻ.
Ông cho biết, bản thân hài lòng với cuộc sống hiện tại: “Vợ chồng tôi chia tay nhau từ khi con trai 6 tuổi, đến nay cháu đã 28 tuổi. Hai bố con sống ở đây đã lâu nên dần dần hình thành phản xạ như một thói quen. Ví dụ, bước vào nhà là cúi đầu, khi thay quần áo thì khom lưng…
Dù không cần bật điện tôi cũng làm được mọi thứ bình thường mà ít khi bị “cụng đầu” hay va vào tường. Hoàn cảnh của tôi vẫn còn tốt chán so với nhiều người không có chỗ ở, phải lang thang ngoài đường. Tôi thấy hạnh phúc hay khổ đau là do tự tâm của mỗi người mà ra cả”.
Ông Cao cho biết, ông thường về nhà nghỉ ngơi, mọi sinh hoạt đều tranh thủ làm ở bên ngoài
Nếu có khách, một người ngồi trong, một người phải cho chân ra ngoài vì diện tích quá chật chội
Đồ đạc trong căn nhà của ông Cao khá đơn giản và được sắp xếp gọn gàng
Tuy nhiên, khi hỏi về tương lai của người con trai, giọng người đàn ông này trầm buồn hẳn đi. Ông tâm sự, nhiều lúc cũng cảm thấy mình có lỗi vì không lo được cho con cuộc sống tốt như mọi người. Có lẽ vì sống trong cảnh thiếu thốn mà con trai ông cũng tự ti, ít nói và ngại giao tiếp với mọi người.
Căn nhà nằm ngay ở lối lên cầu thang của một gia đình khác
Điều ông ái ngại nhất là sau này nếu con lấy vợ không biết sẽ xoay sở ra sao trong căn nhà chỉ vỏn vẹn chưa đầy 3m2 này.
“Nghĩ thế thôi chứ cũng phải lạc quan để vui sống. Cuộc đời không thể chu toàn và lúc nào cũng theo ý mình. Tôi luôn nói và động viên con cố gắng. Chẳng ai nghèo hèn mãi được, cứ chăm chỉ làm ăn, ắt có lúc trời thương, cuộc sống cũng sẽ tốt lên cả thôi. Hơn nữa, ai cũng có cuộc đời của riêng mình. Bản thân phải có trách nhiệm để quyết định lấy số phận của chính mình. Tôi cũng không thể lo con trai mình cả đời được”, ông Cao nói.
Dù tuổi đã cao nhưng hàng ngày ông Cao vẫn làm thêm cho một quán cà phê ở gần nhà
Trong khi đó, một người hàng xóm của ông Cao chia sẻ, việc sống trong những căn nhà nhỏ ở đây không phải là hiếm. Rất nhiều nhà chỉ vỏn vẹn 10m2 – 15m2 nhưng có đến 2 thế hệ cùng sinh sống. Tuy nhiên, có lẽ ngôi nhà của ông Cao là chật chội hơn cả.
“Nhiều khi ông Cao ngồi đọc báo ở trong nhà, người con trai phải ngồi dưới cầu thang vì chật. Hoàn cảnh gia đình ông ấy khó khăn nhưng bù lại ông lão rất vui vẻ, lạc quan và chăm chỉ nên ở đây ai cũng thương và yêu quý. Tôi chưa bao giờ nghe thấy ông ấy phàn nàn hay kêu ca về điều kiện sống của mình. Tuy nhiên, nếu có nhà hảo tâm nào giúp đỡ để cuộc sống của hai bố con bớt khó khăn thì tốt quá”, người này cho biết.