Tra tấn khác với khống chế tội phạm
Ngày 6/6, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo Quốc tế về Công ước chống tra tấn (CAT) và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.
Công ước CAT đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua bằng Nghị quyết số 39/46 ngày 10/12/1984 và có hiệu lực từ ngày 26/6/1987. Ngày 7/11/2013, tại trụ sở chính của Liên Hợp Quốc ở New York, Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã thay mặt Chính phủ Việt Nam ký Công ước.
Theo Giáo sư Manfred Nowak, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Tra tấn (2004-2010), hiện nay ở nhiều nước trên thế giới vẫn xảy ra hiện tượng tra tấn. Theo ông Nowak, khi cảnh sát bắt một người được cho là vi phạm pháp luật, người vi phạm có thể chống đối khiến cảnh sát phải áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để khống chế, hành động đó không tạo ra tội tra tấn.
Tuy nhiên, nếu ở trong phòng hỏi cung, cảnh sát treo người đó lên rồi đánh đập để bắt họ thú tội hoặc lấy thông tin, hăm dọa thì đấy là hành vi tra tấn. Công ước CAT ra đời nhằm ngăn ngừa hành vi tra tấn và các hành vi đối xử, trừng phạt tàn nhẫn, vô nhân đạo, hạ thấp phẩm giá.
Đồng thời, điều tra các cáo buộc và nghi ngờ có hành vi tra tấn; Chống lại hành vi không trừng phạt bằng việc hình sự hóa tra tấn, đưa thủ phạm tra tấn ra trước công lý; Thực hiện quyền khắc phục hiệu quả và quyền được bồi thường thỏa đáng cho nạn nhân bị tra tấn…
Mỗi quốc gia thành viên tham gia Công ước phải đảm bảo rằng các cơ quan có thẩm quyền của mình sẽ điều tra khẩn trương và khách quan mỗi khi có cơ sở hợp lý để tin rằng việc tra tấn đã xảy ra trên lãnh thổ thuộc quyền tài phán của mình.Tăng cường vai trò của luật sư
Tiến sỹ Trần Văn Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng, pháp luật Việt Nam về cơ bản đã quy định tương đối đầy đủ để bảo vệ quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù khỏi các hành vi tra tấn theo tinh thần của Công ước. Điều đó được thể hiện ở các văn bản luật như Hiến pháp 2013, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Thi hành án hình sự, Luật Dân sự, Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước…Tuy nhiên, các văn bản luật này vẫn tồn tại một số điểm lớn chưa tương thích với Công ước CAT.
Tiến sỹ Dũng đề xuất một số giải pháp để sửa đổi bổ sung hệ thống pháp luật phù hợp với công ước CAT như: Cần tính đến phương án làm sao để luật sư tiếp cận một cách nhanh nhất từ khi một người bị bắt, bị tạm giam vì giai đoạn điều tra, theo logic là giai đoạn dễ xảy ra hành vi tra tấn nhất; Cần nghiên cứu và tính toán đến quá trình cơ quan điều tra tiến hành lấy lời khai của người bị tạm giữ, tạm giam. Phải minh bạch hóa vấn đề này bằng sự hiện diện của luật sư, vai trò của Viện kiểm sát, lấy lời khai phải có camera ghi hình, ghi âm. Khi bị can tố cáo trước tòa việc bị ép cung, tòa yêu cầu cơ quan điều tra phải cung cấp bằng chứng...Tiến sỹ Trần Văn Dũng đề xuất phải minh bạch hóa quá trình công an lấy lời khai bằng sự hiện diện của luật sư, vai trò của Viện kiểm sát, lấy lời khai phải có camera ghi hình, ghi âm...
Cũng theo tiến sỹ Dũng, Luật Luật sư 2013 là một bước tiến của ngành tư pháp, quy định rõ các cơ quan tố tụng chỉ được từ chối sự tham gia của luật sư chỉ khi đương sự từ chối. Về việc cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư mặc dù hơi phiền toái nhưng theo ông Dũng cũng là việc làm cần thiết để chứng nhận tư cách tố tụng của luật sư khi tham gia vụ án.
Thiếu tướng, GS,TS. Nguyễn Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an, cho biết, theo lộ trình đề ra tại Đề án nghiên cứu tham gia Công ước CAT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Việt Nam dự kiến kết thúc quá trình nghiên cứu đề xuất phê chuẩn Công ước chống tra tấn trong thời hạn 1 năm kể từ thời điểm ký Công ước hoặc có thể dài hơn tùy vào tình hình, yêu cầu thực tế.
Việc nghiên cứu, chuẩn bị phê chuẩn Công ước CAT có nhiều thuận lợi vì năm 2013, Quốc hội Việt Nam thông qua Hiến pháp Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam có hiệu lực từ 1/1/2014, trong đó có các quy định trực tiếp về chống tra tấn như điều 20 và điều 30. Đây là những cơ sở hiến định đặc biệt quan trọng và là cơ sở pháp lý để hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước có liên quan đến chống tra tấn.
Hiện Bộ Công an đang xin ý kiến của công an 63 tỉnh, thành để xây dựng Báo cáo đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự theo hướng tiếp tục hoàn thiện các quy định liên quan đến chống tra tấn để phù hợp hơn với nội dung của Công ước nhằm đẩy nhanh quá trình nội luật hóa Công ước. Bộ Công an đã dự kiến Kế hoạch thực thi Công ước CAT giai đoạn 2014 – 2020 và gửi xin ý kiến các bộ, ngành hữu quan.