TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Nghiên cứu kinh tế và Chính sách cho rằng, luôn tiềm ẩn nguy cơ quy định sau bất cập hơn quy định trước trong quá trình cải cách. Bởi có trường hợp, bộ ngành tranh thủ khi sửa đổi để cài thêm lợi ích của mình vào.
“Để hạn chế việc bộ ngành cài cắm lợi ích của mình, Chính phủ phải kiểm soát chặt chẽ các văn bản mới ban hành. Văn phòng Chính phủ và các cơ quan hỗ trợ, tư vấn cho Chính phủ cần nâng cao năng lực kiểm soát chất lượng văn bản”, ông Thành nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, việc Bộ KH&ĐT tiến hành kiểm tra, nghiên cứu thực tế của DN về quá trình cải cách ĐKKD cho thấy thực tế khác với báo cáo của bộ ngành.
“Dù mới kiểm tra và đưa ra dẫn chứng bằng một số trường hợp cụ thể nhưng đã cho thấy, có thực trạng bộ ngành “đẻ” thêm ĐKKD mới. Cần có nhiều cuộc kiểm tra thực tế hơn để tiếng nói của DN thực sự đến được với Chính phủ”, ông Hồ nhấn mạnh.
Theo ông Hồ, việc bộ ngành “đẻ” ra ĐKKD là căn bệnh cố hữu của cơ chế xin - cho, dai dẳng bao nhiêu năm. Cơ quan chức năng muốn thanh toán triệt để tình trạng này cần kiên trì, quyết liệt về chủ trương. Còn trong thực tế, cần có giải pháp cụ thể như tăng cường kiểm tra và có cơ chế bắt bộ ngành phải tự động báo cáo và lắng nghe phản ánh của DN.